Bộ Tài chính: "Nộp dần" tiền trúng thầu đất là sai quy định
Liên quan đến việc một số doanh nghiệp xin trả góp tiền đấu giá đất, đại diện Bộ Tài chính cho biết đấu giá đất đã có quy định của pháp luật rất rõ ràng, cụ thể và minh bạch và nhà đầu tư phải thuân thủ.
Theo Bộ Tài chính, quy định của pháp luật không cho nộp tiền đất làm nhiều lần, do đó, khi trúng thầu đấu giá đất, nhà đầu tư phải thực hiện nộp đúng theo thời hạn.
Trước đó, dù đã quá thời hạn 90 ngày phải nộp tiền theo quy định, nhưng 2 doanh nghiệp trúng thầu còn lại trong vụ đấu giá đất Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM) là Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega đều chưa nộp tiền sử dụng đất theo thông báo của cơ quan thuế và ngân sách nhà nước.
Theo Cục thuế TP.HCM, cả 2 doanh nghiệp này không có đơn xin dừng triển khai dự án hay bỏ cọc mà đã gửi văn bản đến Cục Thuế TP.HCM đề xuất được phân kỳ nộp tiền trúng đấu giá chia làm 6 đợt trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9/2022.
Tuy nhiên, các lý do khó khăn chậm nộp tiền mà doanh nghiệp đưa ra đều không thuộc trường hợp để chậm nộp, hoãn nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định của Luật Quản lý thuế nên Cục Thuế TP.HCM vẫn tính tiền phạt chậm nộp. Cục Thuế sẽ theo dõi và cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Đến nay 2 doanh nghiệp cuối cùng trúng thầu đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền theo quy định dù đã quá hạn, nguy cơ hủy hợp đồng là rất lớn. Mặc dù vậy, 2 doanh nghiệp này liên tục xin nộp tiền chậm và hứa sẽ nộp 100 tỷ đồng trước 30/4 để 'thể hiện thiện chí' với mong muốn được triển khai dự án trên đất đã trúng đấu giá. Nhưng đến 5/5, Cục thuế TP.HCM cho biết, chưa nhận được đồng tiền nào từ Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega.
Trước đó, sau khi có văn bản xin kéo dài thời gian nộp tiền trúng đấu giá đất và các khoản phí liên quan, bao gồm tiền phạt chậm nộp đến tháng 9/2022 nhưng không được chấp nhận, Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega có văn bản cam kết sẽ thanh toán một khoản tiền 100 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trước ngày 30/4 để thể hiện thiện chí tiếp tục thực hiện dự án.
Hiện cơ quan thuế vẫn đang tính tiền chậm nộp theo quy định 0,03%/ngày. Việc tính chậm nộp cho đợt đầu tiên đã áp dụng từ ngày 6/2 và từ ngày 7/4, doanh nghiệp bị tính thêm tiền nộp chậm đợt 2. Hiện số tiền chậm nộp hai doanh nghiệp này phải trả hơn 2,3 tỷ đồng/ngày.
Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2) nên phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ.
Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2), đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở.
Dự thảo các quy định mới đối với nhà đầu tư tham gia đấu giá đất
Sự không thành công của phi vụ đấu giá đất Thủ Thiêm đặt ra rất nhiều băn khoăn về việc làm sao Nhà nước thông qua công cụ đấu giá, có thể chọn đúng nhà đầu tư có đủ năng lực đế thực hiện dự án, tránh lãng phí nguồn lực đất đai. Ý chí này của các cơ quan Nhà nước cũng được thể hiện rõ thông qua các quy định mới được đưa ra trong dự thảo, xoay quanh con số đáng chú ý 20%.
- 20% giá khởi điểm là số tiền tối thiểu nhà đầu tư phải đặt trước khi tham gia đấu giá đất. Nếu từ chối tham gia đấu giá thì nhà đầu tư sẽ mất tiền đặt trước này cộng thêm 1 khoản bồi thường cũng bằng 20%. Trong trường hợp tự hủy kết quả thì nhà đầu tư phải nộp thêm khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá.
- Ngoài ra, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên.
- Trường hợp tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì 5 năm tiếp không được tham gia đấu giá đất.