A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Quốc hội: Lợi dụng dân chủ để vi phạm kỷ cương pháp luật còn xảy ra ở nhiều nơi

Đại biểu Quốc hội cho rằng, tình trạng vi phạm quyền dân chủ của nhân dân cũng như lợi dụng dân chủ để vi phạm kỷ cương pháp luật còn xảy ra ở nhiều nơi.

Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở vẫn còn hình thức

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng ngày 14/6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đại biểu Quốc hội: Lợi dụng dân chủ để vi phạm kỷ cương pháp luật còn xảy ra ở nhiều nơi
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn Bình Thuận phát biểu thảo luận tại hội trường Diên Hồng

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Bố Thị Xuân Linh - đoàn Bình Thuận cho biết, thời gian qua việc thực hiện dân chủ cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng, không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội thực hiện tốt hơn về việc làm chủ của nhân dân và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, tạo động lực thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương, các cấp, các ngàn, xây dựng cộng đồng dân cư và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ rõ, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở vẫn còn hình thức, chưa rộng khắp, đồng đều ở các địa phương, khu vực và chưa tiến hành thường xuyên, liên tục, dân chủ ở cơ sở. Các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập cũng chưa được phát huy mạnh mẽ.

Tình trạng vi phạm quyền dân chủ của nhân dân cũng như lợi dụng dân chủ để vi phạm kỷ cương pháp luật còn xảy ra ở nhiều nơi. Việc thực hiện pháp luật và dân chủ ở cơ sở cũng chưa thực sự gắn kết với nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt là trong việc xây dựng Đảng, cải cách hành chấm, chống tham nhũng, lãng phí.

Để giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn, cần phải thống nhất tiêu đề và cách sử dụng thuật ngữ tại các điều khoản trong toàn văn bản của luật. Bên cạnh đó, đại biểu tán thành quy định của Dự thảo tại Điều 10 quy định 8 hình thức thông tin công khai để cho dân biết, đồng thời tán thành về hình thức công khai qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber.

Đây là một hình thức mới, tiến bộ và hiện đại nhưng chỉ áp dụng đối với người sử dụng điện thoại thông minh. Do đó, nên chọn hình thức công khai bắt buộc như niêm yết công khai thông tin tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và điểm sinh hoạt cộng đồng - đại biểu Bố Thị Xuân Linh nêu.

Tùy theo điều kiện địa phương có thể lựa chọn hình thức tuyên truyền công khai đến người dân cho phù hợp, có thể thông qua loa truyền thanh, thông qua các cuộc họp… Ngoài ra, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định về thực hiện hình thức công khai thông tin đối với vùng đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, những nội dung và cần phải cụ thể hơn.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng đề nghị bổ sung thêm các điều khoản quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban giám sát đầu tư cộng đồng nhằm tạo cơ sở pháp lý và hoạt động của Ban thanh tra, của Ban giám sát đầu tư cộng đồng để góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới.

Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng quy chế dân chủ

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đồng tình cao sự cần thiết ban hành Luật như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Đồng thời, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu xây dựng các quy định của pháp luật đảm bảo thực chất, có tính khả thi cao, dễ thực hiện hiệu quả, có cơ chế rõ ràng, mang tính pháp lý, hình thức, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thực hiện dân chủ cơ sở như Tờ trình Chính phủ đã nêu, đảm bảo mục tiêu hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

Liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp trong dự án Luật, đại biểu Trần Nhật Minh đồng tình với ý kiến thứ nhất. Vì thực tế thời gian qua, việc thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa được như mong muốn, như báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở của Bộ Nội vụ đã nêu nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ.

Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức hội nghị người lao động còn thấp, đạt khoảng 64% doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, gần như không tổ chức hội nghị người lao động theo quy định.

Đại biểu cũng chỉ rõ nguyên nhân của vấn đề này là do một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa nhận thức đúng ý nghĩa của việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ doanh nghiệp nên chưa chủ động phối hợp mà chủ yếu do Ban chấp hành công đoàn cơ sở đề xuất, nên việc thực hiện quy chế dân chủ còn gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Một số doanh nghiệp không tổ chức lấy ý kiến của đa số người lao động nhưng vẫn ký thỏa ước lao động tập thể…

Theo đại biểu, việc thực hiện dân chủ doanh nghiệp cần được quan tâm đúng mức, phải nghiên cứu, rà soát, xây dựng các quy định của pháp luật để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Do đó, đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật lao động như đối thoại doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, hợp đồng lao động được quy định tại Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật khác để không có sự trùng lặp, chồng chéo giữa hệ thống pháp luật về dân chủ cơ sở và hệ thống pháp luật lao động.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan