Số người được đứng tên sổ đỏ theo luật mới
Sổ đỏ không giới hạn số người đứng tên nếu có chung quyền sử dụng đất. Cần ghi tên và chọn người đại diện đúng luật để tránh rủi ro về sau
Thông tin trên sổ đỏ thể hiện rõ quyền sử dụng đất và chủ thể được cấp, có thể là một hoặc nhiều người tùy theo thực tế sở hữu. Ảnh minh hoạ: Minh Huy
Sổ đỏ không giới hạn số người đứng tên
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 nguyên tắc cấp sổ đỏ như sau:
“Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung tài sản gắn liền với đất thì cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; trường hợp những người có chung quyền sử dụng đất, chung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có yêu cầu thì cấp chung 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trao cho người đại diện”.
Như vậy, nếu một thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng, có thể lựa chọn: Cấp riêng sổ đỏ cho từng người, hoặc cấp chung một sổ đỏ và ghi tên người đại diện theo thỏa thuận.
Mã QR trên Giấy chứng nhận sẽ thể hiện đầy đủ thông tin của tất cả các cá nhân có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Cách ghi tên nhiều người trên sổ đỏ
+ Trường hợp cấp sổ đỏ cho từng thành viên:
Trên giấy chứng nhận ghi thông tin đầy đủ về người được cấp sổ; tiếp theo ghi: "Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất" hoặc “Cùng sử dụng đất” hoặc “Cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất”.
+ Trường hợp cấp sổ đỏ cho người đại diện:
Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin người đại diện; dòng tiếp theo ghi: “Là người đại diện cho những người cùng sử dụng đất” hoặc “Là đại diện cho những người cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất” hoặc “Là đại diện cho những người cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất”.
Tại mã QR của sổ đỏ thể hiện đầy đủ thông tin của những người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Phân định tài sản khi sổ đỏ đứng tên nhiều người
Khi sổ đỏ đứng tên nhiều người, việc phân chia, chuyển nhượng tài sản phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Theo Điều 218, mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần sở hữu của mình. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất phải có sự thỏa thuận của tất cả các chủ sở hữu.
Nếu một người muốn bán phần sở hữu của mình, những người còn lại được quyền ưu tiên mua. Trong trường hợp người sở hữu chung từ bỏ quyền hoặc qua đời mà không có người thừa kế, phần đó sẽ thuộc về Nhà nước. Nếu là sở hữu chung của cộng đồng thì phần này sẽ thuộc các thành viên còn lại.
Với tài sản là động sản, phần sở hữu của người từ bỏ hoặc qua đời không có người thừa kế sẽ thuộc về các chủ sở hữu còn lại.
Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản chung, việc xác lập quyền sở hữu tiếp theo sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Dân sự.
Lưu ý khi nhiều người cùng đứng tên sổ đỏ
Phải có sự đồng thuận của tất cả các bên: Việc đứng tên chung hoặc cử người đại diện trên sổ đỏ cần có sự thống nhất bằng văn bản giữa những người có quyền sử dụng đất.
Tránh nhầm lẫn trong giao dịch: Khi giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thế chấp... phải có chữ ký của tất cả những người đồng sở hữu hoặc người đại diện hợp pháp được ủy quyền đầy đủ.
Cẩn trọng khi cử người đại diện: Người đại diện đứng tên trên sổ đỏ có quyền thay mặt nhóm trong các giao dịch liên quan. Do đó, cần lập hợp đồng ủy quyền rõ ràng và giới hạn phạm vi đại diện để tránh rủi ro.
Nên công chứng, chứng thực rõ ràng: Các văn bản liên quan đến việc sử dụng chung đất, chia phần sở hữu hoặc ủy quyền nên được công chứng hoặc chứng thực để đảm bảo tính pháp lý.
Kiểm tra kỹ thông tin trên mã QR của sổ đỏ: Đây là phần thể hiện rõ nhất những ai có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản. Mọi thông tin cần khớp với nội dung trong Giấy chứng nhận.