A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm yếu “chí mạng” của phim Việt khi Trấn Thành, Lý Hải rượt đuổi doanh thu 400 tỉ

Lối làm ăn “mùa vụ”, khó chuyển mình từng là vấn đề được đưa ra tranh luận nhiều nhất khi bàn về công nghiệp hóa điện ảnh ở Việt Nam. Hiện, thị trường phim Việt còn cho thấy sự chênh lệch quá lớn về doanh thu, chất lượng tác phẩm.

Điểm yếu “chí mạng” của phim Việt khi Trấn Thành, Lý Hải rượt đuổi doanh thu 400 tỉ

Trấn Thành và Lý Hải đang chiếm lĩnh thị trường phòng vé Việt. Ảnh: Facebook nhân vật

Những vụ mùa thắng lợi

Trấn Thành, Lý Hải và phần còn lại” - đã trở thành câu bình luận “kinh điển” cho miếng bánh thị phần ở thị trường phim Việt kể từ năm 2021 đến nay. Khi doanh thu các tác phẩm do Trấn Thành, Lý Hải đạo diễn đang bỏ xa những bộ phim còn lại.

“Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải đang vượt qua mốc 400 tỉ đồng, áp sát 3 tác phẩm doanh thu “khủng” của Trấn Thành, hứa hẹn có thể vượt qua mốc 427 tỉ đồng của phim “Bố già”.

Trước đó, Lý Hải có “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” ra mắt vào “mùa vụ” nghỉ lễ 30.4 năm 2023 và cán mốc doanh thu 300 tỉ đồng.

Ngoài Trấn Thành, Lý Hải - một diễn viên, một ca sĩ chuyển sang làm phim, chưa có bất cứ đạo diễn chuyên nghiệp nào vươn đến mốc doanh thu 400 tỉ đồng.

Tiệm cận nhất với 2 “vua phòng vé Việt” lúc này là “Hai Phượng” của Ngô Thanh Vân đang ở mốc rất xa là 200 tỉ đồng. Đến năm 2023, Ngô Thanh Vân bất ngờ “ngã ngựa” phòng vé với tác phẩm “Thanh Sói” dù được ngợi khen về kịch bản và sự đầu tư.

Sự thống lĩnh của Trấn Thành, Lý Hải ở phòng vé Việt không còn gì để bàn cãi. Họ cũng rất biết cách “chia tiền” khi Trấn Thành đưa phim ra rạp vào mùa Tết nguyên đán, Lý Hải thống trị rạp chiếu dịp nghỉ lễ 30.4.

Đến nay, lối làm phim mùa vụ vẫn chia rạp Việt thành những mùa làm ăn lớn trong năm, nhằm vào những dịp nghỉ lễ kéo dài.

“Mai” của Trấn Thành thống trị rạp chiếu mùa Tết. Ảnh: Nhà sản xuất

“Mai” của Trấn Thành thống trị rạp chiếu mùa Tết. Ảnh: Nhà sản xuất

Trong nhiều năm, các phần Lật mặt của Lý Hải ra rạp vào dịp nghỉ lễ 30.4. Ảnh: Nhà sản xuất

Trong nhiều năm, các phần Lật mặt của Lý Hải ra rạp vào dịp nghỉ lễ 30.4. Ảnh: Nhà sản xuất

Thế nhưng, nếu không phải Trấn Thành hay Lý Hải, các đạo diễn, nhà sản xuất ở “phần còn lại” vẫn chật vật, vật vã với câu chuyện doanh thu, cho dù đã cố gắng đưa phim ra rạp vào thời điểm “né tránh” Lý Hải, Trấn Thành.

“Mai” của Trấn Thành ồ ạt ra rạp mùa Tết với suất chiếu dày kín đã đánh bật 2 phim “Sáng đèn” và “Trà”. Trước thềm nghỉ lễ 30.4, Xuân Lan cố né Lý Hải nhưng “Cái giá của hạnh phúc” vẫn thua thảm. Cựu siêu mẫu được cho là đã lỗ đến 27 tỉ đồng khi tham gia sản xuất “Cái giá của hạnh phúc”.

Điểm yếu chí mạng

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động, diễn viên Hứa Vĩ Văn khẳng định, kịch bản đang là điểm yếu lớn nhất của phim Việt. Theo diễn viên Hứa Vĩ Văn, gần như rất hiếm kịch bản hay.

“Là diễn viên, tôi cũng rất muốn được đóng nhiều phim mỗi năm, việc tham gia nhiều phim sẽ giúp tôi trau dồi nghề nghiệp. Thế nhưng, tôi gần như không thể nhận lời, vì hầu hết các kịch bản gửi đến đều chán. Có những năm tôi không nhận lời phim nào, khi chỉ đọc vài trang kịch bản đã thấy không thể tiếp tục đọc” - Hứa Vĩ Văn nói.

Diễn viên Minh Tiệp cũng đồng quan điểm về sự non yếu, thiếu vốn sống, thiếu sức sáng tạo của đội ngũ biên kịch của phim Việt hiện tại.

“Chúng ta có quá ít biên kịch giỏi. Kịch bản hay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng tôi hiểu lý do, bởi nghề biên kịch chưa được đào tạo, đầu tư tới nơi tới chốn. Đội ngũ biên kịch không có vốn sống, thu nhập thấp. Ở điện ảnh thế giới như Mỹ hay Hàn Quốc, chỉ cần một phim hot, biên kịch có thể nhận thù lao khổng lồ, đủ sống cả đời” – Minh Tiệp đưa quan điểm.

Hàng loạt phim Việt đầu năm 2024 ra rạp ế ẩm, doanh thu bết bát đều bị chê về kịch bản yếu kém.

“Án mạng lầu 4” là phim Việt tiếp theo bị chê về kịch bản. Ảnh: Nhà sản xuất

“Án mạng lầu 4” là phim Việt tiếp theo bị chê về kịch bản. Ảnh: Nhà sản xuất

Mới nhất, bộ phim “Án mạng lầu 4” vừa ra rạp đã bị chê kịch bản thảm họa, triển khai câu chuyện vô lý, lòng vòng, khiến khán giả mệt mỏi, mất kiên nhẫn, thậm chí hối hận khi bỏ tiền ra để phung phí 106 phút vô nghĩa trong rạp.

Trước đó, khi Xuân Lan và Mai Thu Huyền “kêu khóc” vì phim thua lỗ, đã nhận những chỉ trích từ khán giả, bởi “Cái giá của hạnh phúc” hay “Đóa hoa mong manh” đều sở hữu kịch bản yếu kém, đầy lỗ hổng, bất chấp những tư duy logic thông thường.

Khán giả khuyên Mai Thu Huyền nên ngừng làm phim bởi khi nữ diễn viên chuyển sang làm đạo diễn đã cho ra rạp liên tiếp những phim thảm họa, từ “Kiều” đến “Đóa hoa mong manh”.

Nếu vẫn đam mê với phim ảnh, Mai Thu Huyền cần có con mắt thẩm định kịch bản tốt hơn.

Khi điện ảnh thế giới đã bứt phá mạnh mẽ trên mọi nền tảng, họ sở hữu những ý tưởng kịch bản khiến người xem “choáng ngợp”, các nhà sản xuất phim, giới biên kịch Việt không thể chủ quan với... trình độ của mình được nữa.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan