Tỉnh Yên Bái có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày, huyện Lục Yên, Yên Bình vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ cúng rừng là nghi lễ truyền thống lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm đối với đồng bào Mông tại xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Lễ nhằm cầu mong thần rừng mang lại cuộc sống ấm no cho dân bản. Đây cũng là dịp để người dân trong bản lên kế hoạch cho việc bảo vệ rừng cả năm.
Lễ cúng rừng chứa đựng trong đó tín ngưỡng thờ Thần rừng của đồng bào Mông đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Lễ vật tế thần rừng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước nhiều ngày.
Nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày, huyện Lục Yên, Yên Bình vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Còn nghệ thuật "Khắp cọi" là loại hình dân ca đặc sắc với những tri thức dân gian, lời răn dạy sâu sắc và đầy tính nhân văn cùng những cung bậc cảm xúc lứa đôi phản ánh rõ nét nhân sinh quan, thế giới quan của đồng bào dân tộc Tày ở xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Bắt nguồn từ cuộc sống lao động cùng với sự đẽo gọt, chỉnh sửa, bổ sung của nhiều thế hệ, “Khắp cọi” có giá trị nghệ thuật cao và được lưu truyền đến tận ngày nay.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có 510 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số, trong đó, 11 di sản nằm trong danh mục Di sản phi vật thể quốc gia.
Tỉnh yên Bái dù có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn song luôn chú trọng công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, gắn với phát triển du lịch. Nhờ đó, Yên Bái đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.