Trạng Tí, Maika... và nỗi buồn phim thiếu nhi Việt
Phim thiếu nhi là dòng phim khá ăn nên làm ra ở một số nền điện ảnh lớn, nhưng tại Việt Nam, dòng phim này vừa ít ỏi vừa chưa có khán giả ổn định.
Trạng Tí (ảnh trái), Maika, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (từ trên xuống) - các phim thiếu nhi Việt Nam chiếu rạp - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Trạng Tí có kinh phí 43 tỉ đồng, Maika được đầu tư hàng chục tỉ đồng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là 20 tỉ đồng. Nhưng trong 3 phim thiếu nhi hiếm hoi gần đây của điện ảnh Việt, chỉ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có đông khán giả.
Mơ ước lớn, đầu tư lớn
Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có vốn nhà nước, vấn đề lời lãi của 2 phim này không quá đặt nặng như các phim có vốn tư nhân. Thế nhưng, "cú ngã ngựa" của Maika ở phòng vé vẫn thật đáng buồn.
Còn riêng Trạng Tí phiêu lưu ký, việc phim vừa thất thu vừa bị tẩy chay là nỗi đau lớn của nhà sản xuất.
Cả 3 phim thiếu nhi hiếm hoi của điện ảnh Việt đều đến từ những nhà làm phim tên tuổi. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do Victor Vũ thực hiện. Trạng Tí phiêu lưu ký gắn với cái tên Phan Gia Nhật Linh - một đạo diễn điện ảnh yêu truyện tranh và hoạt hình. Còn Maika đến từ Hàm Trần - đạo diễn Việt kiều từng làm nhiều phim chất lượng.
Từ kinh phí và việc chọn đạo diễn, có thể nói dòng phim thiếu nhi dù ít và thiếu nhưng đều được đầu tư chỉn chu, kinh phí thuộc dạng cao so với thời điểm ra mắt. Điều đó đến từ tâm huyết của những nhà sản xuất, đạo diễn có ước mơ làm phim cho trẻ em.
Ra rạp năm 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là hiện tượng điện ảnh và hiện tượng mạng xã hội khi có vô số ảnh chế, tạo nên trào lưu du lịch Phú Yên. Phim thành công vì hình ảnh đẹp, có câu chuyện rất Việt Nam, chuyển thể từ truyện của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Nhật Ánh. Đây là bộ phim dành cho cả trẻ con và người lớn.
Trạng Tí phiêu lưu ký là phim thiếu nhi Việt có kỹ xảo hoành tráng nhất từ trước đến nay - Ảnh: Đoàn phim cung cấp |
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bày tỏ khi ra mắt Trạng Tí năm 2021: "Tôi muốn làm nên một bộ phim dành cho trẻ em Việt Nam". Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân mong muốn bộ phim gia đình này phù hợp với mọi thế hệ người Việt Nam: ông bà, cha mẹ, con cháu.
Về mặt nội dung, phim làm được điều đó. Nhưng tiếc rằng trào lưu tẩy chay Trạng Tí dữ dội ở thời điểm đó đã góp phần ngăn phim đến với số đông khán giả. Phim chỉ thu 22 tỉ đồng rồi lặng lẽ rời rạp, trái ngược với lúc ra mắt đầy ồn ào.
Không giống Trạng Tí, Maika gây tiếc nuối khi ra rạp lặng lẽ, chỉ thu hơn 6 tỉ đồng. Bộ phim kể về tình bạn giữa cô bé ngoài hành tinh và cậu bé Việt Nam mồ côi mẹ, dễ thương nhưng chưa đủ chạm. Nhân vật Maika gây sốt từ gần nửa thế kỷ trước, nay không còn quen thuộc. Phong cách của Hàm Trần, một đạo diễn Việt kiều, cũng xa lạ với khán giả Việt.
Chưa có thương hiệu phim thiếu nhi Việt Nam
Mùa hè này, Maika mờ nhạt trên sân nhà trước một thương hiệu lớn dành cho thiếu nhi đến từ Nhật Bản: Doraemon. Phim hoạt hình Doraemon: Nobita và cuộc chiến vũ trụ tí hon trụ rạp gần một tháng, thu 46 tỉ đồng. Đây cũng là phần phim Doraemon có doanh thu cao nhất ở Việt Nam từ trước đến nay.
Điều đáng nói là các phim điện ảnh Doraemon mấy năm gần đây đều không có doanh số cao vượt trội, chỉ khoảng trên 20 tỉ đồng, nhưng phim vẫn ra đều đặn và duy trì sức hút với khán giả nhí nhờ thương hiệu quá lớn.
Doraemon là thương hiệu trên 50 năm - Ảnh: Đoàn phim cung cấp |
Còn thương hiệu phim thiếu nhi Việt Nam?
Sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, một số phim chuyển thể từ sách Nguyễn Nhật Ánh đã được thực hiện tiếp như Cô gái đến từ hôm qua, Mắt biếc nhưng đây là những phim dành cho giới trẻ, người trưởng thành. Mặc dù vậy, việc khai thác thương hiệu Nguyễn Nhật Ánh cho phim thiếu nhi, phim dành cho tuổi mới lớn vẫn còn rất tiềm năng.
Theo thông tin trong giới làm phim, một số dự án chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh vẫn đang được phát triển và sẽ ra mắt trong những năm tới.
Còn Trạng Tí phiêu lưu ký, một dự án dài hơi về điện ảnh với ý định làm đến 5 phần phim, có lẽ sẽ khép lại sau phần đầu tiên vì chưa được số đông ủng hộ.
Maika thiếu tính Việt Nam, về cả thương hiệu lẫn nhiều chi tiết trong phim - Ảnh: Đoàn phim cung cấp |
Maika không phải là một thương hiệu Việt. Phim gốc là của Tiệp Khắc. Để Việt hóa Maika với các nhân vật do diễn viên Việt đóng, nhà sản xuất phải mua bản quyền khá gian nan.
Sau hành trình ngắn ngủi ở rạp Việt, Maika được đưa sang Mỹ và chiếu tại một số rạp. Phim nhận được những bài phê bình khá tích cực từ các báo như New York Times, Screen Anarchy, Cinema Crazed, The Independent Critic. Thế nhưng, con đường tạo lập thương hiệu phim thiếu nhi Việt Nam còn rất dài.