A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An Giang: Thúc đẩy cho vay tín dụng chính sách

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh An Giang đã bám sát nghị quyết của Hội đồng quản trị, văn bản chỉ đạo của NHCSXH Trung ương, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, triển khai các mặt hoạt động về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và NHCSXH triển khai chương trình tín dụng chính sách sát với thực tế, gắn với việc giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

an-giang-thuc-day-cho-vay-tin-dung-chinh-sach..jpg

An Giang: Thúc đẩy cho vay tín dụng chính sách. Ảnh: Internet

Đáng chú ý, NHCSXH tỉnh và phòng giao dịch các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về tín dụng chính sách; nâng cao ý thức trách nhiệm của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong việc sử dụng vốn vay.

Đặc biệt, tập trung tuyên truyền, vận động các hộ vay có thói quen tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tham gia gửi tiền qua tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy ước hoạt động tổ; nêu gương người tốt, việc tốt, mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả để nhân rộng.

Nguồn ngân sách các cấp chuyển sang ủy thác đã có chuyển biến khá tích cực vốn tín dụng chính sách, góp phần quan trọng vào an sinh xã hội, giúp người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, hạn chế tình hình cho vay nặng lãi tại khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Trần Thế Loan, Giám đốc NHCSXH tỉnh chia sẻ, từ năm 2023 và 8 tháng năm 2024, doanh số cho vay hơn 2.580 tỷ đồng đã giúp 54.194 lượt hộ được vay vốn. Cụ thể: Chương trình cho vay hộ nghèo cho vay mới 623 lượt khách hàng; cho vay hộ mới thoát nghèo 8.624 lượt khách hàng; cho vay hộ cận nghèo 3.844 lượt khách hàng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 5.172 lượt; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 21.302 lượt khách hàng; cho vay giải quyết việc làm 12.236 lượt khách hàng; cho vay hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn 1.475 lượt khách hàng; cho vay nhà ở xã hội 417 lượt khách hàng; cho vay xuất khẩu lao động 279 lượt khách hàng; cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi được 176 lượt khách hàng; cho vay người chấp hành xong án phạt tù được 49 lượt khách hàng.

Tín dụng chính sách là “trụ cột” trong công tác giảm nghèo, góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, hộ chính sách tại nông thôn, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, tạo nguồn lực cho địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, việc làm và an sinh xã hội…

Đồng thời, nỗ lực củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, theo dõi xử lý nợ đến hạn kịp thời, hạn chế tối đa nợ quá hạn phát sinh… góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh kết quả giải ngân được trên 135 tỷ đồng, đạt 36,93% kế hoạch vốn. Trong đó, vốn đầu tư phát triển đạt 66,14% (giá trị giải ngân trên 88,6 tỷ đồng); vốn sự nghiệp đạt 20,04% (giá trị giải ngân đạt gần 47 tỷ đồng). Đến nay, các dự án thuộc chương trình giảm nghèo được triển khai theo đúng quy định, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và do các hộ dân (cộng đồng) đề xuất trên cơ sở khả năng, nhu cầu và điều kiện thực tế của các hộ tham gia, góp phần vào thành công dự án.

Bên cạnh đó, đời sống tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương, như: Người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Châu Phú Nguyễn Thành Lưu cho biết, sau gần 10 năm thực hiện công tác tín dụng chính sách (năm 2014-2024), tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 25,67 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh đạt 18,84 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách huyện đạt 6,83 tỷ đồng. Qua đó, đã giải ngân 1.016 trường hợp, tổng với số tiền 22,79 tỷ đồng. Góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Thông qua nguồn vốn ưu đãi, nhiều lao động trên địa bàn huyện Phú Tân có việc làm ổn định, học sinh - sinh viên có cơ hội học tập, nhiều gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ tín dụng chính sách của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Tân cho vay kịp thời đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Được biết, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Phú Tân đã và đang phát huy hiệu quả tạo sinh kế giúp người dân có điều kiện tiếp cận vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống...

Hiện trên địa bàn huyện Phú Tân đang triển khai cho vay 12 chương trình tín dụng chính sách. Vốn tín dụng chính sách của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Tân được đầu tư cho vay phát triển sản xuất, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo, các đối tượng chính sách. Từ đó, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo đồng thuận trong nhân dân.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến được với tất cả hộ nghèo trên địa bàn huyện đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, góp phần chuyển biến nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Thông qua nguồn vốn được giao đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện. Từ năm 2023 đến nay, địa phương đã giải ngân cho hơn 1.700 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn sản xuất kinh doanh. Hơn 1.800 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được đầu tư; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 1.000 lao động; 26 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 18 hộ vay vốn mua nhà ở xã hội và hơn 1.000 học sinh, sinh viên được vay vốn... Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên 562 tỷ đồng; tổng doanh số cho vay hơn 102 tỷ đồng (các chương trình: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh - sinh viên, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, người chấp hành xong án phạt tù); tổng dư nợ gần 484 tỷ đồng.

Với sự vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai đồng bộ các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, nên tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm. Thời gian tới, huyện Phú Tân tiếp tục huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách; điều tra, rà soát, bổ sung đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo quy định tăng cường tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Cùng với đó, chú trọng chất lượng tín dụng, hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để đảm bảo phát huy hiệu quả vốn vay… góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật