Cách ăn mận không làm đường huyết tăng vọt
Mận thơm ngon nhưng có lượng đường nhất định, người tiểu đường cần biết cách ăn đúng để kiểm soát đường huyết hiệu quả.
Ăn nhiều hoặc ăn mận khi bụng đói có thể làm đường huyết tăng nhanh. Ảnh đồ họa: Huy Hoàng
Mận có chỉ số đường huyết (GI) khoảng 30–50 tùy loại, thuộc nhóm thấp đến trung bình. Tuy nhiên, ăn nhiều hoặc ăn mận khi bụng đói có thể làm lượng đường trong máu tăng nhanh do hấp thu đường từ mận nhanh hơn bình thường.
Sau đây là cách ăn mận không làm tăng đường huyết được Harvard Health Publishing chia sẻ:
1. Ăn vừa phải, kiểm soát khẩu phần
Theo bác sĩ dinh dưỡng Kathy McManus (Harvard Health Publishing), một khẩu phần mận khoảng 3-4 quả nhỏ là hợp lý, giúp cung cấp dưỡng chất mà không làm đường huyết tăng đột biến.
2. Ăn mận cùng protein hoặc chất béo lành mạnh
Ăn mận cùng các thực phẩm giàu protein (như sữa chua không đường, hạt hạnh nhân) hoặc chất béo tốt (như bơ, dầu ô liu) giúp làm chậm hấp thu đường, ổn định đường huyết.
3. Ăn mận sau bữa chính hoặc kết hợp với rau xanh
Ăn mận sau bữa ăn hoặc kết hợp với rau xanh giàu chất xơ giúp giảm tốc độ tiêu hóa và hấp thu glucose.
4. Tránh ăn mận khi đói hoặc ăn khuya
Khi bụng đói, đường từ mận sẽ được hấp thu nhanh, làm đường huyết tăng vọt, đặc biệt nguy hiểm với người tiểu đường.
Tiến sĩ Sarah Hallberg - chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại Đại học Indiana - cho biết, việc kiểm soát khẩu phần và kết hợp với thực phẩm phù hợp giúp người bệnh tiểu đường có thể thưởng thức trái cây ngọt mà không ảnh hưởng đến đường huyết.