Dự án Luật Nhà giáo: Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong ngành giáo dục
Từ thực tiễn, kinh nghiệm quản lý trong ngành giáo dục, đại biểu Quốc hội cho biết, hiện trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ đang ngày càng trầm trọng.
Tháo gỡ những điểm nghẽn
Sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Đại biểu Trần Văn Thức - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa |
Đại biểu Trần Văn Thức - đoàn Thanh Hóa - đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã rất nghiêm túc, trách nhiệm, dành nhiều thời gian để tổ chức các hội nghị, hội thảo, cầu thị lắng nghe, tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần để hoàn thiện Luật Nhà giáo.
Đại biểu cho biết, dự thảo Luật đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước. Các quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng qua các kỳ đại hội đều nhất quán trong việc xác định lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng, cốt lõi, có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo.
Đồng thời, khẳng định rõ là cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn, đặt ra yêu cầu cần sớm xây dựng luật về nhà giáo.
Về thực trạng hệ thống pháp luật hiện nay, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đang chịu sự điều chỉnh của 6 luật gồm: Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Bộ luật Lao động; Luật Giáo dục; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Giáo dục đại học.
Tuy nhiên, các nội dung về quản lý nhà giáo giữa các luật chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ. Mặt khác, một số bất cập phát sinh trong công tác quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay và việc kiến tạo các chính sách phát triển đội ngũ đột phá cho sự phát triển, nâng tầm quản lý nhà giáo về mặt lý luận cũng như thực tiễn, không thể quy định chung trong các luật hiện hành nói trên.
Theo đại biểu, cả về quan điểm, chủ trương của Đảng lẫn sự quan tâm của xã hội đều xác định vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu của nhà giáo, nhưng thực tế, hệ thống pháp luật sau thời gian dài vẫn chưa có luật riêng về nhà giáo.
Do đó, việc ban hành Luật Nhà giáo là rất cần thiết, vừa đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo, vừa phù hợp với điều kiện thực tế về xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Đi vào nội dung cụ thể, đại biểu bày tỏ quan tâm đến thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Từ thực tiễn, kinh nghiệm quản lý trong ngành giáo dục, đại biểu cho biết, hiện trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đang ngày càng trầm trọng.
Một trong những nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì, nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức, tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của khối nhà giáo.
Đại biểu đồng tình và thống nhất cao với những quy định giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo. Đại biểu nhấn mạnh, đây là quy định rất quan trọng, có thể tháo gỡ ngay các vấn đề khó khăn về thừa - thiếu giáo viên tại các địa phương.
Nâng cao chất lượng đầu vào đối với các giáo viên
Đại biểu Tô Văn Tám - đoàn Kon Tum - cho hay, dự thảo Luật đã trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng tại điểm a, b khoản 2 Điều 16.
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum |
Theo đại biểu, việc trao quyền như vậy sẽ tạo cơ sở cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tuyển dụng nhà giáo đáp ứng yêu cầu ngành giáo dục cũng như chủ động trong điều phối biên chế, điều phối nhà giáo của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần giải thích rõ thế nào là người có trình độ cao, người có tài năng tại điểm a khoản 3 về các trường hợp đặc cách ưu tiên để dễ thực hiện khi tuyển dụng, bảo đảm tính khả thi của quy định.
Liên quan tới chuẩn nghề nghiệp nhà giáo tại Điều 14 dự thảo Luật, đại biểu nêu rõ, giáo dục có vai trò quan trọng và nhà giáo là trung tâm, người quyết định chất lượng đào tạo, giáo dục con người, trực tiếp tác động, truyền thụ tư duy, tư tưởng, kiến thức của các thế hệ người học.
Do vậy, đòi hỏi cao ở nhà giáo không chỉ về đạo đức, chuẩn mực, mô phạm, sự hiểu biết, tính sáng tạo mà còn đòi hỏi về phẩm chất, tư tưởng chính trị của nhà giáo. Phẩm chất chính trị, tư tưởng nhà giáo là nhân tố cơ bản giữ vai trò chủ đạo, định hướng sự phát triển đạo đức của đội ngũ nhà giáo.
Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ và các trí thức khoa học mà còn là nơi rèn luyện, truyền thụ phẩm chất, nhân cách của người học. Từ đó, đề nghị bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng vào khoản 1 Điều 14 dự thảo Luật.
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn Vĩnh Phúc - cũng cơ bản đồng tình với sự cần thiết việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo, song đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ hơn nữa về sự cần thiết, giải thích cụ thể tại sao trong Luật Giáo dục đã có 1 chương quy định về nhà giáo nay lại ban hành Luật Nhà giáo?...
Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật đang quy định nhà giáo được tuyển dụng, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Đại biểu đề nghị làm rõ, đối với quy định này được hiểu như thế nào là đúng. Bên cạnh đó, làm rõ đối với các nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập có thuộc đối tượng của dự thảo Luật này không?
Về tuyển dụng nhà giáo được quy định tại Điều 16, đại biểu cho biết, tại điểm a khoản 1 Điều này quy định tuyển dụng căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. "Quy định như vậy được hiểu là bất kể người nào đủ chuẩn nghề nghiệp nhà giáo là được tuyển dụng. Như vậy chưa phù hợp, do vậy, dự thảo Luật cần phải quy định thêm là: Phải căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng nhà giáo” - đại biểu nêu.
Liên quan đến nội dung về tiền lương và phụ cấp tại Điều 27, điểm d khoản 1 Điều này quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, tại Điều 18 quy định đối với người trúng tuyển, thực hiện chế độ tập sự, thử việc hoặc thính giảng, chế độ tiền lương và phụ cấp được thực hiện như thế nào lại chưa được quy định cụ thể. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định này.
Để đáp ứng vai trò, vị trí của nhà giáo, đại biểu Đoàn Vĩnh Phúc đề nghị, bổ sung quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đầu vào đối với nguồn đào tạo giáo viên tại các cơ sở đào tạo nguồn giáo viên, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào đối với các giáo viên trong tương lai, tránh tình trạng như nhiều năm qua, việc tuyển sinh đối với nhiều cơ sở đào tạo nguồn giáo viên có đầu vào giáo viên gần như thấp nhất theo tiêu chuẩn xét tuyển so với nhiều ngành, lĩnh vực.
Về các chính sách hỗ trợ nhà giáo được quy định trong dự thảo Luật, đại biểu nhận xét, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ này đang chỉ phù hợp với các cơ sở giáo dục công lập. Đại biểu băn khoăn, đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các nhà giáo có được hưởng các chính sách hỗ trợ này không, nếu không sẽ tạo ra sự mất cân bằng. "Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nội dung này để đảm bảo tính công bằng đối với các nhà giáo trong xã hội” - đại biểu nói.