A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lãi suất huy động nhích tăng liệu có kéo lãi suất cho vay sớm tăng theo?

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới cập nhật gần đây, nhiều dự báo cho rằng dưới áp lực tỷ giá và lạm phát, khả năng lãi suất cho vay tăng trở lại ngày càng cao.

Kỳ vọng tiền gửi ngân hàng khởi sắc trong những quý tiếp theo khi lãi suất huy động nhích tăng tại nhiều nhà băng 

Trong những ngày cuối tháng 5, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đã có tín hiệu tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào.

Cụ thể, ngày 28/5, ngân hàng PGBank điều chỉnh tăng lãi suất huy động trung bình 0,2-0,4% cho một số kỳ hạn. Techcombank cũng tiếp tục điều chỉnh lãi suất tiết kiệm kể từ đầu tuần với mức tăng trung bình 0,1-0,2%/năm. Đây là lần thứ ba trong tháng 5, Techcombank tăng lãi suất tiết kiệm.

Ngày 30/5, ngân hàng TMCP Phát triển Thành Phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động 0,2%/năm đối với kỳ hạn gửi 12 – 13 tháng và giữ nguyên tại các kỳ hạn khác.  

Ngày 31/5, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,1%/năm ở tất cả kỳ hạn đối với tiền tiết kiệm online. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng điều chỉnh tăng 0,2%/năm cho các kỳ hạn 6 – 11 tháng. 

Xu hướng tăng lãi suất đầu vào được dự báo sẽ còn tiếp diễn và lan rộng tại các ngân hàng TMCP. 

Trước đó, hồi quý I, trong bối cảnh lãi suất huy động thấp, tiền gửi ngân hàng ghi nhận tăng trưởng thấp với mức tăng toàn ngành đạt khoảng 0,7% so với cùng kỳ 2023. Thêm vào đó, đồng nội tệ trượt giá và mức lợi nhuận hấp dẫn từ các kênh đầu tư truyền thống nhưng có tính thanh khoản cao như vàng, các yếu tố này cộng hưởng đã chuyển dịch đáng kể dòng vốn hướng về các kênh này trong khoảng thời gian gần đây.

Với việc mặt bằng lãi suất huy động đang có dấu hiệu nhích tăng, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) trong một báo cáo ngành ngân hàng gần đây kỳ vọng tăng trưởng tiền gửi ngân hàng sẽ chuyển biến tích cực trong các quý tiếp theo. Mặc dù lợi nhuận mang lại từ các kênh đầu tư truyền thống hiện đang cao theo thống kê tới cuối tháng 4, trong đó, đồng USD ghi nhận mức tăng 4,6% trong khi vàng đã tăng trên 20%, cao hơn nhiều so với lợi suất từ kênh tiền gửi; nhưng dự báo những mức tăng đột biến này sẽ thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm can thiệp, nhằm hạn chế tình trạng tích trữ đầu cơ tại nhóm tài sản này và ổn định đồng nội tệ. Với kỳ vọng lãi suất huy động tăng trở lại và giá của các tài sản kia đã tăng cao, dòng tiền đầu tư có khả năng chuyển hướng trở lại kênh tiền gửi. 

Mặc dù NHNN chưa điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, các lãi suất tham chiếu khác như lãi suất liên ngân hàng và lợi suất TPCP cũng dần ghi nhận xu hướng tăng trở lại, nhóm phân tích MAS cho biết thêm.

Lãi suất cho vay có thể tăng trở lại?

NHNN gần đây vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng; các chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất. Cụ thể, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, … để nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu MAS cho rằng áp lực về tỷ giá - lạm phát gia tăng sẽ tác động đến quyết định chính sách tiền tệ của NHNN, và với diễn biến tỷ giá - lạm phát hiện nay, dự báo nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ có đợt tăng trở lại trong thời gian tới. 

Cụ thể, về tỷ giá, với việc lạm phát của Mỹ vẫn đang neo ở mức cao, khả năng cũng như kỳ vọng số lần giảm lãi suất của Fed cho năm 2024 cũng đang giảm dần. Do đó, đồng USD được dự báo tiếp tục mạnh lên so với các đồng tiền khác. Xét theo các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, VND cũng ghi nhận mức suy giảm đáng kể, khoảng 4,4% từ đầu năm đến nay, chỉ ít hơn đồng Baht của Thái Lan giảm 8,5%. Mặc dù duy trì mức chênh lệch lãi suất như hiện tại đặt ra nguy cơ VND tiếp tục giảm giá, NHNN vẫn chưa chính thức đảo chiều chính sách tiền tệ nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ kinh tế phục hồi cũng như gián tiếp hỗ trợ chất lượng tài sản của các NHTM. 

Cùng với sức ép tỷ giá, áp lực mới từ lạm phát gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định về chính sách quản lý từ phía NHNN. Cụ thể, CPI 4 tháng đầu năm đã tiệm cận ngưỡng trần đặt ra cho năm 2024 là 4,5% trong khi lạm phát trong giai đoạn giữa năm 2023 là tương đối thấp. 

“Lãi suất cho vay đang tiệm cận mức ổn định như giai đoạn trước đại dịch, mặc dù vậy, lãi suất cho vay có thể tăng trở lại trong ngắn hạn”, báo cáo của MAS nhận định.

 Áp lực tỷ giá...

 ...và lạm phát tăng gần đây được MAS dự báo sẽ ảnh hưởng đến quyết định về chính sách quản lý từ phía NHNN. Ảnh: MAS

Đồng quan điểm này, báo cáo thị trường tiền tệ của Chứng khoán An Bình (ABS) mới đây cho rằng việc NHNN liên tiếp hút ròng tiền đồng đang khiến áp lực thanh khoản tiền đồng của hệ thống gia tăng dần, từ đó có thể tác động kéo lãi suất ở các thị trường khác đi lên. Do đó, lãi suất cho vay có khả năng tăng trong thời gian tới.

Từ góc độ chuyên gia, TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng lại cho rằng khó có khả năng lãi suất cho vay sớm tăng trong thời gian tới bởi 2 yếu tố:  NHNN đang kiểm soát chặt chẽ lãi vay và áp lực cạnh tranh cho vay giữa các ngân hàng. 

Cụ thể hơn, TS. Hiển cho rằng trong điều kiện bình thường, khi lãi suất huy động tăng, tất yếu sẽ tác động đến lãi suất cho vay. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, mặc dù lạm phát và chi phí huy động vốn đầu vào của các ngân hàng đang có xu hướng tăng lên, lãi suất cho vay trong ngắn hạn vẫn khó có thể tăng.

Về phía lãi suất đầu vào, vị chuyên gia cho rằng lãi suất huy động dù có tăng cũng chỉ ở khoảng 0,5 – 1% phù hợp với diễn biến thị trường vốn hiện nay, bởi thực tế nhu cầu vay vốn còn rất lớn, nhưng ngân hàng có cho vay không lại là chuyện khác. Hiện các ngân hàng đều tăng cường phòng ngừa rủi ro để đề phòng vấn đề nợ xấu, khó thu hồi vốn. Bên cạnh đó NHNN ngày càng giám sát chặt chẽ việc cho vay đúng theo quy định. Do đó, TS. Hiển cho rằng trong thời gian tới, dư nợ tín dụng trong bất động sản sẽ không tăng đột biến, còn trong sản xuất kinh doanh, tín dụng sẽ tăng từ từ theo sự phục hồi của doanh nghiệp.

Với kỳ vọng diễn biến cung cầu tín dụng ở mức thận trọng, nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng cũng sẽ không thể chạy đua lãi suất huy động giống như giai đoạn cuối năm 2022, bởi vậy tăng trưởng lãi suất huy động cũng sẽ ở mức vừa phải. Trong khi đó, NHNN lại đang kiểm soát chặt chẽ lãi vay dưới sự chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Không chỉ vậy, chính các ngân hàng cũng phải chịu áp lực cạnh tranh cho vay.

Do vậy, lãi suất cho vay khó có thể tăng trở lại trong ngắn hạn, theo vị chuyên gia.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật