Lạc quan với tăng trưởng tín dụng năm 2022
Dự báo về tín dụng năm 2022, giới chuyên môn kỳ vọng kịch bản tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 14% - tương đồng với mức mục tiêu mà NHNN đặt ra.
Những năm gần đây, NHNN đã điều hành tín dụng rất linh hoạt, luôn đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn như năm 2021 mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra là 12%, nhưng trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng cao hơn sau khi dịch bệnh được kiểm soát, NHNN đã nới room tín dụng cho một số ngân hàng. Nhờ đó đến cuối năm 2021, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,97%.
Trên cơ sở thực tế điều hành năm 2021, để đảm bảo vốn phục cho nền kinh tế, năm 2022 NHNN định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% để vừa đảm bảo các ngân hàng có dư địa tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh, vừa tiếp tục cho vay mới ra nền kinh tế. Song, NHNN lưu ý, thực tế tín dụng năm 2022 có thể ở mức cao hơn hoặc thấp hơn tuỳ theo mục tiêu yêu cầu kiểm soát lạm phát và nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Ảnh minh họa |
Tại báo cáo cập nhật vĩ mô năm 2022 của Công ty chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, trong bối cảnh mở cửa kinh tế, nền tảng vĩ mô được hồi phục và độ bao phủ vaccine ngày càng rộng là điều kiện tốt để người dân quay trở lại hoạt động kinh doanh, dẫn tới nhu cầu tín dụng được cải thiện. BSC đã đưa ra hai kịch bản cho tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) cho năm 2022. Tại kịch bản thứ nhất, các chuyên gia BSC cho rằng, tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới nhanh, lạm phát đi ngang so với hiện tại sẽ tạo nhiều áp lực lên chính sách nới lỏng của NHNN. BSC ước tính năm nay M2 tăng 12% còn tín dụng tăng 13%. Với kịch bản thứ hai, theo BSC nếu tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới chậm, lạm phát nằm ở mức thấp và từ đó, tạo ít áp lực nâng lãi suất đối với NHNN. Với kịch bản này, BSC cũng ước tính tín dụng tăng 13%.
Dự báo về tín dụng năm 2022, giới chuyên môn kỳ vọng kịch bản tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 14% - tương đồng với mức mục tiêu mà NHNN đặt ra. Chuyên gia của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận xét, định hướng hỗ trợ chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được duy trì trong năm 2022, tuy nhiên điều kiện khách quan không thuận lợi khi áp lực lạm phát là hiện hữu, với kịch bản cơ sở lạm phát ở mức 3,8%. Do vậy, nhiều khả năng NHNN vẫn sẽ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, không có thay đổi trong kịch bản cơ sở và tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 14%, tương đương mức tăng trong năm 2021.
Với góc nhìn lạc quan hơn, các chuyên gia Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể tăng trên 15%. Nguyên nhân được đưa ra là với chương trình kích thích kinh tế bao gồm đầu tư công, những gói hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, hỗ trợ lãi suất... có thể tạo ra cú huých với tăng trưởng tín dụng.
Đánh giá về triển vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, CEO một ngân hàng cho rằng, hoạt động sản xuất – kinh doanh đang trên đà hồi phục, cầu vốn tăng nhanh trở lại từ cuối quý IV cùng với việc triển khai gói kích thích kinh tế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành Ngân hàng ở mức 14% hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí có thể cao hơn.
Có chung quan điểm, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, tín dụng tăng trưởng ngay trong quý đầu năm một phần do hoạt động sản xuất, kinh doanh dần hồi phục sau thời gian dài giãn cách. Nhiều chuỗi sản xuất đang dần được nối lại, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động, nên cầu vốn sẽ tăng. Tuy nhiên, mức tăng này sẽ không đồng đều, tùy thuộc vào sức khỏe của từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực.
“Dù nền kinh tế đang tiếp tục mở cửa một số ngành, lĩnh vực sau thời gian dài giãn cách, nhưng doanh nghiệp chưa thể hồi phục ngay sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Thực tế cho thấy, tình hình tăng trưởng tín dụng hiện đang phụ thuộc nhiều diễn biến dịch bệnh cũng như khả năng hồi phục của doanh nghiệp. Nếu tình hình dịch bệnh được khắc phục và vòng đời sản phẩm quay trở lại bình thường như trước, thì doanh nghiệp sẽ vay vốn nhiều hơn”, vị này nhận định.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, họ luôn bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN, song việc mở rộng tín dụng luôn song hành với kiểm soát chất lượng tín dụng và đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ xấu, nợ ngoại bảng. Trong trường hợp cầu vốn tăng cao, thiếu room tín dụng, ngân hàng đề xuất NHNN được nới room.
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng, đại diện Vietcombank đề xuất NHNN có cơ chế đặc thù cho nhóm NHTM Nhà nước được chủ động quyết định quy mô tăng trưởng tín dụng dựa trên quản trị rủi ro; Đồng thời, tạo điều kiện cho các NHTM Nhà nước được tăng vốn điều lệ. Bởi nếu hệ số an toàn vốn của ngân hàng ở mức thấp sẽ làm hạn chế về phát triển kinh doanh, đặc biệt hạn chế tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, ảnh hưởng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.