A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng thận trọng với kế hoạch kinh doanh

Báo cáo tài chính chuẩn bị cho đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) của các ngân hàng cho thấy, các nhà băng đang tỏ ra khá thận trọng khi xây dựng kế hoạch kinh doanh năm nay.

Mở rộng tín dụng song hành cùng chất lượng

ACB mới đây công bố tài liệu phục vụ cho ĐHCĐ thường niên, trong đó ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản và tiền gửi khách hàng trong năm 2022 đều có mức tăng 11% so với năm trước, lần lượt đạt mức 588.187 tỷ đồng và 421.897 tỷ đồng. Trong khi dư nợ tín dụng tăng trưởng 10% lên mức 398.299 tỷ đồng theo chỉ tiêu được NHNN phân bổ hồi đầu năm. ACB cũng lên kế hoạch phát hành trên 675 triệu cổ phiếu trả cổ tức (tương đương tỷ lệ 25%) bằng cổ phiếu vào quý III năm nay. Đáng chú ý ACB dự báo tín dụng trong nền kinh tế sẽ tăng nhanh trở lại từ quý II, nên ngay từ những tháng đầu năm 2022, ngân hàng đã chuẩn bị nguồn vốn cho một kế hoạch dài hơi.

VPBank cũng đặt mục tiêu tín dụng tăng 18-20% trong năm 2022. Đặc biệt để nâng cao hiệu quả kinh doanh, VPBank dự kiến nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi (CASA) lên mức 23-27%.

ngan hang than trong voi ke hoach kinh doanh
Ngân hàng lo nợ xấu tăng trong khi Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực thi hành

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho biết với chính sách thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế đang trở lại, đặc biệt các nền kinh tế có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam không lockdown (đóng cửa) tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu hàng hóa, trong quá trình đó các ngân hàng sẽ có cơ hội mở rộng kinh doanh.

Tuy nhiên các ngân hàng quốc doanh tỏ ra khá thận trọng khi đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Trong hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh đầu năm, Vietcombank chỉ đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12% trong năm 2022. VietinBank cũng chỉ đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 5-10%, tín dụng tăng khoảng 10-14%…

Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng quốc doanh thận trọng trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng là điều dễ hiểu khi mà nền kinh tế vẫn đang đối mặt với khá nhiều rủi ro. Thứ nhất, hiện tổng dư nợ của các ngân hàng quốc doanh là khá lớn, nên chỉ cần tăng trưởng một vài phần trăm thì số dư tuyệt đối đã bằng các ngân hàng cổ phần nhỏ tăng trưởng vài chục phần trăm. Thứ hai, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cho các ngân hàng.

“Sự thận trọng của các ngân hàng là điều dễ hiểu khi mà những rủi ro cũ vẫn còn tiềm ẩn, nay lại xuất hiện thêm nhiều rủi ro mới như áp lực lạm phát, bất ổn địa chính trị. Mặc dù tăng trưởng tín dụng luôn là điều mong muốn của các ngân hàng khi nó đi kèm với doanh thu, lợi nhuận. Song trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng cần phải thận trọng trong việc mở rộng tín dụng để hạn chế rủi ro nợ xấu”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.

Trên thực tế các ngân hàng đều xác định tăng trưởng tín dụng song hành với việc nâng cao chất lượng tín dụng để hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Theo đó ACB đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở dưới 2% tổng dư nợ. Vietcombank cũng đạt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 1,5%; VietinBank là dưới 2%.

Phân tán rủi ro bằng bán lẻ

Bên cạnh đó theo các chuyên gia kinh tế, hiện các ngân hàng đang đối mặt với một thách thức không nhỏ đó là áp lực lạm phát đang có xu hướng tăng cao, trong khi các ngân hàng vẫn phải giữ vững ổn định lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Muốn vậy, lãi suất huy động không thể tăng cho dù nhiều kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản đang rất sôi động và hút đi một lượng không nhỏ dòng tiền của người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn phải đảm bảo nguồn vốn để tới đây triển khai hỗ trợ lãi suất 2% theo Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Một vấn đề khác, đến 30/6/2022 sẽ hết thời hạn của Thông tư 14/2021/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Mặc dù các tổ chức tín dụng cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 mà không chuyển nhóm, nhưng bản thân họ vẫn đang phải thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ theo yêu cầu của NHNN. Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, tính đến thời điểm cuối tháng 12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 1,92%. Tuy nhiên nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ này khoảng 7,31%.

Thấu hiểu điều đó nên thời gian qua nhiều ngân hàng đã chấp nhận giảm lợi nhuận để tăng trích lập dự phòng rủi ro, nâng cao tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Hiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhiều ngân hàng lên đến trên 100%. Điều đó giúp các ngân hàng có nguồn lực để ứng phó với rủi ro nợ xấu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nên các ngân hàng rất chú trọng tới việc nâng cao chất lượng tín dụng để hạn chế nợ xấu phát sinh. Theo đó, trong những năm qua các ngân hàng cơ cấu lại hoạt động cấp tín dụng, tăng cường mảng bán lẻ, thúc đẩy đầu tư công nghệ hiện đại để gia tăng khả năng khai thác khách hàng mới. Song song với đó các ngân hàng đẩy mạnh phát triển các hoạt động dịch vụ để giảm sự phụ thuộc vào tín dụng. Hiện tỷ trọng thu từ dịch vụ ngoài lãi của nhiều ngân hàng đã lên tới 40% tổng thu nhập.

Ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý nợ xấu của các TCTD Việt Nam (VAMC) cho biết, dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã tác động đến mọi mặt của nền kinh tế làm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ ảnh hưởng, nợ xấu sẽ phát sinh nhiều hơn thời kỳ trước. Thời gian qua, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu. Nếu Nghị quyết 42 không được gia hạn, các tổ chức tín dụng cũng như VAMC sẽ rất khó khăn.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, cần luật hóa cơ chế xử lý nợ xấu ở các tổ chức tín dụng; đảm bảo sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, bộ ngành hữu quan và tránh chồng chéo với những luật lệ khác.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật