A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng đến ngân hàng đa năng

Việc liên kết, hợp tác với các tổ chức, đơn vị sẽ giúp sản phẩm của ngân hàng thêm phần đa dạng hơn, nhất là với những sản phẩm đầu tư tài chính. Thêm nữa, gia tăng thu nhập từ đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh này cũng khiến ngân hàng bớt áp lực gánh nặng thu từ tín dụng.

Hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, đi cùng với đó là yêu cầu đổi mới cũng như đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ tài chính càng được chú trọng hơn, thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia. Chính vì thế, sự liên kết giữa các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm đã và đang trở thành xu thế phát triển tất yếu.

Trên thực tế, thời gian gần đây, thị trường ngày càng chứng kiến nhiều hơn xu hướng tích hợp tài chính, tạo ra các kênh phân phối dịch vụ tài chính đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Như trung tuần tháng 3/2022 SCB đã ký thoả thuận hợp tác với Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Tân Việt (TVFM) trong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ để xây dựng các gói sản phẩm ưu việt cho nhà đầu tư. HSBC Việt Nam mới đây cũng cho biết đã hợp tác với Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital trong kết nối các nhà đầu tư cá nhân với sản phẩm chứng chỉ quỹ của VinaCapital. VietinBank chi nhánh Hà Nội đầu tháng 2/2022 đã có hợp đồng cho vay vốn hạn mức 10.000 tỷ đồng (440 triệu USD) với CTCK SSI. VPBank mua lại hơn 97% cổ phần tại CTCP Chứng khoán ASC, đổi tên thành CTCK VPBank (VPBank Securities).

huong den ngan hang da nang
Liên kết, tích hợp các dịch vụ tài chính giúp sản phẩm ngân hàng đa dạng hơn

Đặc biệt, thị trường chứng kiến hàng loạt thương vụ hợp tác lớn có giá trị hàng nghìn tỷ đồng giữa các công ty bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng được ký kết trong thời gian qua đã tạo ra những thay đổi tích cực cho doanh thu cho ngân hàng đến từ kênh này. Nhiều hợp đồng bancassurance được ký kết mang đến cho các nhà băng hàng nghìn tỷ đồng phí thu trước trong bối cảnh dịch bệnh.

Đơn cử, cuối năm 2021 Manulife trở thành nhà phân phối độc quyền bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng của VietinBank trong 16 năm. CTCK SSI tính toán mức phí trả trước mà VietinBank nhận được từ thoả thuận bancassurance độc quyền với Manulife vào khoảng 350 triệu USD. Theo đó, trong 5 năm tới, thu nhập từ kênh bán chéo bảo hiểm của VietinBank sẽ tăng 30-50% so với cùng kỳ.

Hay như VPBank và AIA Việt Nam vừa gia hạn thoả thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thời hạn kéo dài thêm 4 năm, từ 15 năm lên 19 năm. Đẩy mạnh Bancassurance cũng mang lại cho VIB kết quả kinh doanh tốt, tiếp tục chiếm lĩnh 12% thị phần trên thị trường; SeABank tính tới cuối tháng 12/2021 ghi nhận bancassurance tăng trưởng 165% so với cùng kỳ năm 2020…

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay, việc liên kết, hợp tác với các tổ chức, đơn vị sẽ giúp sản phẩm của ngân hàng thêm phần đa dạng hơn, nhất là với những sản phẩm đầu tư tài chính. Thêm nữa, gia tăng thu nhập từ đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh này cũng khiến ngân hàng bớt áp lực gánh nặng thu từ tín dụng. “Một lợi thế nữa khi ngân hàng hợp tác với các đối tác khác là có thể tận dụng được cơ sở dữ liệu khách hàng phong phú. Chưa kể thông qua các trung gian tài chính có thể giảm thiểu phần nào rủi ro khi đa dạng hoá được danh mục đầu tư do doanh thu từ các ngành nghề kinh doanh khác nhau có xu hướng bù trừ lẫn nhau. Khả năng phủ rộng, hiện diện trên thị trường cũng sẽ nhanh chóng hơn…”, vị này cho hay.

Nhìn về dài hạn, ông James Estaugh - Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng tốt, yếu tố trọng yếu tới từ việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điểm tựa vững cho thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, việc các ngân hàng đẩy mạnh, mở rộng hơn các hoạt động đầu tư lĩnh vực này sẽ giúp gia tăng thu nhập ngoài lãi trong tương lai.

Một trong những chìa khoá để gia tăng thêm hiệu quả kinh doanh từ hoạt động dịch vụ tài chính - ngân hàng, theo chuyên gia là đến từ công nghệ. Theo đó, để nắm bắt các xu thế phát triển của thị trường tài chính trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, các NHTM Việt Nam buộc phải chủ động xây dựng kho dữ liệu, hạ tầng số tập trung, chuẩn hoá, cho phép chia sẻ, tích hợp để tạo hệ sinh thái số trải rộng trên nhiều ngành, lĩnh vực. Các ngân hàng tại Việt Nam hiện đã ứng dụng nhiều hơn thành tựu của cuộc CMCN 4.0 như phân tích dữ liệu tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, công nghệ học máy, tư vấn tự động, chuỗi khối… vào trong các hoạt động nghiệp vụ cụ thể để nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, mang lại sự thuận tiện nhất cho khách hàng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng thành công trong thời đại kỹ thuật số thì bản thân các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phải hiểu rõ cách thức kết nối với khách hàng để phục vụ các nhu cầu thiết yếu nhất của họ. Sở hữu được công nghệ mới nhất cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là mỗi tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, đặc biệt là ngân hàng phải biết tận dụng được công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tạo sự tin tưởng để khách hàng gắn bó với mình.


Tác giả: HOÀNG MINH ÁNH
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan