A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tín dụng chính sách - điểm tựa tin cậy cho người nghèo tại TP. Cần Thơ

Tín dụng chính sách xã hội được xem như trợ lực quý báu giúp người dân nghèo TP. Cần Thơ vươn lên trong sản xuất, kinh doanh hướng đến thoát nghèo nhanh và giảm nghèo bền vững.

Trợ lực để thoát nghèo nhanh, bền vững

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, trao bằng khen của UBND TP cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong năm 2021

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP. Cần Thơ là tập trung giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Qua đó, góp phần giảm nghèo nhanh bền vững, cải thiện cuộc sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội... 

Mạng lưới hoạt động của NHCSXH TP. Cần Thơ gồm: Hội sở chi nhánh và 8 Phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện; 85 điểm giao dịch tại xã với trên 270 cán bộ Hội, đoàn thể tham gia hoạt động ủy thác và hơn 2.037 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (Tổ TK&VV) bao phủ rộng đến tất cả ấp, khu vực toàn thành phố. Đến nay, NHCSXH TP. Cần Thơ triển khai thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ và một số chương trình do UBND thành phố và quận, huyện ủy thác đáp ứng nhu cầu vốn cho các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố.

Tính đến cuối tháng 1/2022 dư nợ cho vay ước đạt 3.150 tỉ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ trên địa bàn, tăng 0,45% so với tháng 12/2021. Trong đó, dư nợ tập trung ở một số chương trình: cho vay hộ nghèo 88 tỉ đồng; cho vay hộ cận nghèo 180 tỉ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 1.032 tỉ đồng; cho vay giải quyết việc làm 658 tỉ đồng; cho vay Chương trình Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 635 tỉ đồng.... NHCSXH thành phố đã thực hiện gia hạn nợ cho 3.564 hộ vay vốn với số tiền 78,955 tỉ đồng; điều chỉnh kỳ hạn nợ cho trên 77.672 hộ với số tiền 533,505 tỉ đồng.…

Để kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng, NHCSXH TP. Cần Thơ nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác đối với các tổ chức hội, đoàn thể, thông qua 2.037 Tổ TK&VV tại 85 xã, phường, thị trấn. Đến nay, dư nợ các hộ DTTS là hơn 55,6 tỉ đồng, với 3.220 hộ. Qua đó, giúp bà con DTTS đầu tư sản xuất, kinh doanh (làm vườn, mua bán, chăn nuôi…), xây dựng nhà ở, trang trải chi phí học tập cho học sinh sinh viên (HSSV), xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh…

Theo thống kê, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 60 lượt hộ nghèo, hơn 1.000 hộ cận nghèo và 4.215 hộ mới thoát nghèo có vốn để sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm cho 35.688 lao động; giúp cho 1.174 học sinh, sinh viên mới có vốn để trang trải chi phí học tập, 8.239 hộ xây dựng và cải tạo 16.056 công trình nước sạch và vệ sinh, xây dựng 76 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP; giúp cho 27 người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 30.803 lượt lao động....

Nhờ được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội kịp thời, đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng các xã, huyện nông thôn mới theo chuẩn nâng cao trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố đã ổn định được cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, đến cuối tháng 1/2022, NHCSXH TP.Cần Thơ đã giải ngân trên 7,67 tỉ đồng cho 13 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho 1.967 lượt người lao động, gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 70.416 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng dịch COVID-19, số tiền 407 tỉ đồng.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-HÐND của HÐND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trong thời gian áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP. Cần Thơ, đối với nhóm người bán lẻ xổ số lưu động, tất cả quận, huyện đã chi hỗ trợ 7.431 người, kinh phí 13,2 tỉ đồng, đạt tỷ lệ trên 94% số lượng được phê duyệt. Ðối với 4 nhóm đối tượng còn lại, tất cả quận, huyện được UBND thành phố phê duyệt hỗ trợ 115.642 người, kinh phí trên 231,2 tỉ đồng; đã chi hỗ trợ 73.287 người, kinh phí trên 146,5 tỉ đồng.

Giải quyết việc làm và tiếp sức đến trường

Thời gian qua, NHCSXH TP. Cần Thơ được Trung ương và địa phương quan tâm hỗ trợ vốn, hằng năm, mỗi quận, huyện chuyển bổ sung vốn sang Phòng giao dịch NHCSXH ít nhất 1 tỉ đồng để cho vay giải quyết việc làm (GQVL) kết hợp phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, NHCSXH TP đã phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác trong cho vay, đào tạo nghề, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh; thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn quy trình, nghiệp vụ cho vay, nâng cao hiệu quả quản lý vốn cho cán bộ hội, đoàn thể.

Để nâng cao hiệu quả chương trình cho vay GQVL, thời gian tới, NHCSXH TP. Cần Thơ tiếp tục phối hợp Sở LĐ-TB&XH thành phố và các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác rà soát nhu cầu vay vốn của hộ dân để trình Trung ương và địa phương giao vốn; chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả. NHCSXH TP tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ cũng như đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, các mô hình làm ăn hiệu quả.

Từ thực tế hoạt động những năm qua, NHCSXH TP. Cần Thơ đề nghị NHCSXH xem xét giao bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ năm 2022 đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; UBND các quận, huyện tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách để ủy thác qua NHCSXH cho vay trong năm 2022, trong đó, có các đối tượng có nhu cầu hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm... phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu GQVL cho 50.300 lao động toàn thành phố năm 2022.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ không để học sinh sinh viên (HSSV) nào vì khó khăn về tài chính phải bỏ học, NHCSXH TP. Cần Thơ cũng chú trọng phối hợp các cấp, ngành, đoàn thể thực hiện kịp thời, hiệu quả chương trình tín dụng HSSV. Qua đó, nhiều HSSV nghèo, gia cảnh khó khăn, có điều kiện học tập, vững bước đến tương lai... nguồn vốn chương trình tín dụng HSSV đạt hiệu quả thiết thực, giúp đỡ HSSV khó khăn trang trải chi phí học tập, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Nguồn vốn chương trình tín dụng HSSV được phân bổ đầy đủ, kịp thời; mức vay tối đa điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế (hiện là 25 triệu đồng/HSSV/năm). Các xã, thị trấn đã tích cực triển khai chương trình tín dụng HSSV. Các hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ TK&VV kịp thời hướng dẫn các hộ đủ điều kiện được vay vốn, không có trường hợp HSSV phải nghỉ học do không có tiền đóng học phí. Hầu hết hộ vay vốn chương trình tín dụng HSSV có ý thức, trách nhiệm trả lãi, trả nợ đến hạn, giúp ngân hàng quản lý và tái đầu tư hiệu quả nguồn vốn vay.

Hoạt động giao dịch tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cờ Đỏ

Kết quả cho thấy, chỉ riêng Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Cờ Đỏ, từ năm 2016 đến cuối tháng 1/2022, có trên 2.370 HSSV được vay vốn; doanh số cho vay trên 30,6 tỉ đồng; tổng dư nợ trên 29,4 tỉ đồng, với 932 hộ gia đình HSSV còn dư nợ. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội, PGD chủ động thông báo (qua điện thoại, zalo) đến các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các Tổ TK&VV, thường xuyên nhắc nhở các hộ có nhu cầu vay vốn chương trình tín dụng HSSV liên hệ trường xin giấy xác nhận. Khi tình hình dịch bệnh ổn định, NHCSXH sẽ hướng dẫn các hộ lập hồ sơ vay vốn và giải ngân kịp thời.

Còn tại PGD NHCSXH quận Thốt Nốt, đến cuối tháng 1/2022, có hơn 1.150 HSSV được vay vốn; doanh số cho vay trên 44,3 tỉ đồng. Tổng dư nợ gần 44,4 tỉ đồng, với 1.319 hộ HSSV còn dư nợ.

Nâng cao hiệu quả vốn vay

Giám đốc NHCSXH TP. Cần Thơ ông Lăng Chánh Huệ Thảo cho biết, thời gian tới, NHCSXH TP Cần Thơ tiếp tục tham mưu UBND thành phố và quận, huyện chuyển bổ sung vốn ngân sách để cho vay, nhất là hỗ trợ vốn để người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng dịch COVID-19. NHCSXH TP cũng sẽ tích cực huy động vốn, tập trung cho vay chương trình tín dụng HSSV; người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất; nhà ở xã hội...

Ðồng thời, phối hợp chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác củng cố nâng cao chất lượng tín dụng tại các xã, phường, thị trấn có tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,5% trở lên; nâng dần số xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn…

Tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Ban Thường vụ Thành ủy; tiếp tục rà soát, hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu nhưng chưa được vay vốn (nhất là các hộ nghèo, cận nghèo mới phát sinh năm 2022), các hộ bị ảnh hưởng của dịch COVID-19... Qua đó giải ngân kịp thời nguồn vốn do NHCSXH Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương giao ngay từ những tháng đầu năm 2022; tiếp tục triển khai chương trình cho vay Người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản suất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Chủ động phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thông báo kịp thời đến người dân và HSSV về chính sách tín dụng ưu đãi cũng như quy trình, thủ tục vay vốn; triển khai nhiều giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng...; tiếp tục kiện toàn hoạt động điểm giao dịch xã để phục vụ người dân chính xác, kịp thời và hiệu quả.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật