Nhiều yếu tố hỗ trợ tín dụng khởi sắc
Giới chuyên môn cũng kỳ vọng, với chính sách tài khóa đang được thúc đẩy mở rộng nhanh hơn, trong đó nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đang được đẩy nhanh tiến độ, sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng, chia lửa phần nào với chính sách tiền tệ.
Chia sẻ tại Tọa đàm Giải pháp khơi thông thị trường vốn vừa tổ chức cuối tuần qua, ông Trịnh Quốc Hùng - đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đến 17/3 tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 1% so với cuối năm 2022. Nếu so với cùng kỳ năm 2022 tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn, nhưng không chênh nhiều so với những năm trước.
Ảnh minh họa |
Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm trong 3 tháng đầu năm do chịu ảnh hưởng bởi một số nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Nguyên nhân khách quan là tín dụng trong quý I rơi vào dịp Tết nên nhu cầu vốn thấp. Bên cạnh đó, tình hình trên thế giới lạm phát cao nên đơn hàng đặt giảm, ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp Việt Nam. Tín dụng giảm một phần bởi doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng do sức khỏe tài chính suy giảm dưới tác động COVID-19. Một yếu tố ảnh hưởng nữa từ giải ngân đầu tư công chậm. Trước thực tế này, trên cơ sở tình hình lạm phát trên thế giới cũng như Việt Nam đã chững lại, có dấu hiệu tạo đỉnh, NHNN đã giảm lãi suất điều hành thêm 1% để tạo điều kiện cho ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng vay vốn. Đây cũng là yếu tố kỳ vọng thúc đẩy tín dụng trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Khang - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) nhận định, tăng trưởng tín dụng mang tính mùa vụ, thường những tháng đầu năm tăng chậm hơn. Nhưng năm nay có điểm khác biệt là NHNN chủ động giảm lãi suất điều hành ngay từ đầu năm. Việc đưa ra quyết định giảm lãi suất mang tính dẫn dắt thị trường như vậy theo ông Khang đã được NHNN tính toán kỹ lưỡng. Đầu tiên liên quan đến lạm phát, áp lực lạm phát có dấu hiệu giảm nhiệt từ tháng 2/2023 sau khi tăng liên tiếp từ tháng 9/2022. Bên cạnh đó, là áp lực tỷ giá, theo các cân đối hiện nay cũng không thực sự lớn như năm trước. Do vậy, việc chủ động hạ lãi suất là tín hiệu tốt ngay từ đầu năm giúp cho tín dụng tăng tốc lên trong thời gian tới.
Động lực nữa cho tín dụng khởi sắc được ông Khang đề cập tới đó là dữ liệu mới nhất của S&P Global cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại với chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 51,2 điểm trong tháng 2, tăng so với mức mức 47,4 điểm trong tháng 1 cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau thời kỳ suy giảm kéo dài ba tháng… Trong đó, có những điểm nhấn nổi bật sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng trở lại... Nhu cầu cải thiện đã khiến niềm tin kinh doanh tăng lần thứ ba liên tiếp. Sản xuất kinh doanh phục hồi sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng tăng nhanh trở lại.
Nhưng tăng trưởng tín dụng có đạt như kỳ vọng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Nhất là ở nhiều khu vực kinh tế của Việt Nam đang tăng trưởng tương đối chậm. Trong 2 tháng đầu năm, chỉ có du lịch, bán lẻ, hàng hóa dịch vụ tăng trưởng, còn lại lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt chỉ số sản xuất công nghiệp lại giảm so với cùng kỳ. Còn dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết trong 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 37.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm đến 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 51.400 doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Do đó, tăng trưởng tín dụng thời gian tới cần tiếp tục theo dõi vì nhiều yếu tố bất định.
Ở góc độ cơ quan điều hành, NHNN cho biết, đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho từng TCTD với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đồng thời, chỉ đạo TCTD kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Với định hướng điều hành tín dụng của NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với mục tiêu. Điều quan trọng là làm sao hướng dòng vốn đến đúng địa chỉ, phát huy được hiệu quả.
Giới chuyên môn cũng kỳ vọng, với chính sách tài khóa đang được thúc đẩy mở rộng nhanh hơn, trong đó nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đang được đẩy nhanh tiến độ, sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng, chia lửa phần nào với chính sách tiền tệ. Theo đó, NHNN có lẽ cũng không còn chịu quá nhiều áp lực phải mở rộng tín dụng quá mức để hỗ trợ tăng trưởng như giai đoạn trước. Bởi tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lên 124% và 187% - là mức cao nhất các quốc gia xếp hạng Ba và Baa, cảnh báo Việt Nam về rủi ro bất ổn vĩ mô. Thay vào đó, mục tiêu quan trọng hơn cho năm nay là phải kiềm chế và giữ lãi suất ổn định để tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.