A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những ngân hàng có nhiều nợ cần chú ý nhất nửa đầu năm 2024

Nợ nhóm 2 của các ngân hàng tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, tốc độ tăng của nhóm nợ này chậm hơn đáng kể so với nợ xấu và có thể báo hiệu xu hướng tích cực hơn đối với chất lượng tài sản ngân hàng.

 

Đồ họa: Alex Chu.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2024, số dư nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của 30 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết, Agribank, BaoViet Bank và PVcomBank) đã tiếp tục tăng so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ tăng của nợ nhóm 2 đang chậm hơn so với nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5).

Cụ thể, sau 6 tháng đầu năm 2024, số dư nợ xấu tại các ngân hàng nói trên đã tăng thêm tổng cộng 8.279 tỷ đồng so với cuối 2023, lên mức 239.155 tỷ đồng. Để so sánh, nợ xấu sau 6 tháng đầu năm của nhóm ngân hàng trên đã tăng tới 46.529 tỷ đồng.

Tổng tỷ lệ nợ nhóm 2 trên tổng cho vay khách hàng của 30 ngân hàng là 1,9%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu đang ở mức 2,2%.

Nợ nhóm 2 thường được coi như chỉ báo sớm cho tình hình nợ xấu của các ngân hàng. Trong thời kỳ khó khăn, các khoản nợ nhóm 2 có thể bị nhảy nhóm và trở thành nợ xấu. Ngược lại nếu diễn biến tích cực, nợ nhóm 2 có thể trở lại nhóm 1.

Thống kê cho thấy có 18/30 ngân hàng ghi nhận số dư nợ nhóm 2 giảm so với đầu năm 2024. Trong đó, SHB giảm 4.591 tỷ đồng nợ nhóm 2, tương đương 54% so với cuối 2023, xuống 3.942 tỷ đồng. SHB cũng là một trong ba ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, nợ nhóm 2 của VIB cũng giảm 2.391 tỷ đồng, hay 16% xuống 12.433 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, nợ nhóm 2 tại VPBank tăng thêm 9.904 tỷ đồng, hay 25% lên 48.863 tỷ đồng đưa tỷ lệ nợ cần chú ý lên 7,8%. Trong nửa đầu năm, nợ nhóm 2 của Agribank cũng tăng thêm 8.115 tỷ đồng, lên 40.455 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 2,5%.

Xét về tốc độ, NCB là ngân hàng tỷ lệ tăng (%) của nợ nhóm 2 tăng cao nhất, tăng 54% so với cuối năm trước. Đến cuối quý II, ngân hàng này có 3.296 tỷ đồng nợ cần chú ý, chiếm 5,1% dư nợ cho vay khách hàng.

Ngân hàng cho biết nguyên nhân chính khiến nợ xấu cao là do ngân hàng đã quyết liệt triển khai việc phân loại lại tài sản có theo phương án cơ cấu lại (PACCL) ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước xem xét cho ý kiến và cấp có thẩm quyền phê duyệt tháng 6 vừa qua, từng bước triển khai theo lộ trình tái cơ cấu được được phê duyệt theo đúng quy định, hướng tới mục tiêu hoạt động hiệu quả và bền vững.

Dự báo về chất lượng tài sản ngân hàng, chuyên gia Nguyễn Thế Minh Giám đốc, Phân tích của CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng nợ xấu có thể đã đạt đỉnh vào quý II năm nay, áp lực nợ xấu có thể vẫn còn nhưng kỳ vọng rằng trong quý III và quý IV có thể hạ nhiệt trở lại.

Ông kỳ vọng bức tranh nợ xấu sẽ có tín hiệu khả quan từ hai quý cuối năm nhờ hoạt động kinh tế khởi sắc và thị trường bất động sản phục hồi dần, kỳ vọng tính pháp lý của các dự án bắt đầu sẽ tháo gỡ dần và từ đó giảm áp lực nợ xấu, cũng như chính sách tín dụng thận trọng hơn. Đặc biệt nợ xấu hiện nay phần lớn thuộc về nhóm bất động sản có thể sẽ hạ nhiệt bớt đi trong giai đoạn tới đây.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật