Doanh nghiệp bất động sản chật vật trả nợ trái phiếu
Khó khăn về dòng tiền, trong khi áp lực đáo hạn lớn khiến các đợt chậm trả gốc, lãi trái phiếu đến nay hầu hết thuộc về lĩnh vực bất động sản.
Hàng tồn kho bất động sản vẫn tăng mạnh. Ảnh: Bảo Chương
Theo số liệu từ VietstockFinance với 104 doanh nghiệp (trên HOSE, HNX và UPCoM) công bố BCTC quý I/2025 thuộc nhóm bất động sản bao gồm nhà ở và khu công nghiệp cho thấy, tổng giá trị hàng tồn kho tính đến cuối quý I tiếp tục tăng cao lên mức kỷ lục hơn 511 nghìn tỉ đồng, tăng 2% so với đầu năm.
Trong đó, có 14 doanh nghiệp bất động sản mà hàng tồn kho chiếm trên 50% tổng tài sản, phần lớn là nhóm bất động sản nhà ở. Những con số này cho thấy, dù thị trường đang có lực đẩy từ chính sách và lãi suất thấp, thanh khoản vẫn chưa trở lại như kỳ vọng.
Hàng tồn kho đang tiếp tục là thách thức lớn đối với các chủ đầu tư, nhất là khi áp lực tài chính từ nợ vay, và chi phí triển khai chưa giảm. Đặc biệt là câu chuyện trả nợ trái phiếu.
Theo số liệu từ FiinTrade, trong tháng 5.2025, tổng giá trị gốc trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán của khối phi ngân hàng ước đạt 11.400 tỉ đồng, gấp đôi so với mức 5.300 tỉ đồng của tháng 4.
Trong đó, nhóm bất động sản dự kiến có khoảng 3.500 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong tháng 5, chiếm 31% tổng giá trị đáo hạn toàn khối trong tháng và tăng 20,3% so với ước tính trong tháng 4.
Nhóm bán lẻ dự kiến có 3.000 tỉ đồng gốc trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong tháng 5.2025.
Áp lực đáo hạn trái phiếu ở khối phi ngân hàng dự kiến sẽ đạt đỉnh vào quý III/2025. Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, trong quý II/2025 sẽ có gần 38.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, tăng 105% so với quý I.
Trong đó, bất động sản là nhóm có tỉ trọng lớn nhất, chiếm 57,3%, đứng thứ hai là ngân hàng, chiếm tỉ trọng 11% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn. Với áp lực đáo hạn gia tăng, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và trái chủ tiếp tục diễn ra.
Trong đó, có nhiều trường hợp huy động trái phiếu với giá trị lớn gần đáo hạn nhưng không công bố thông tin hoặc đang ở trong tình trạng thua lỗ khủng.
Lấy ví dụ, trường hợp Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận là một trong số các tổ chức phát hành có giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cao kể từ nay tới cuối năm 2025. Công ty này có 6.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn ngày 31.8.2025 (của 60 lô trái phiếu có mã từ QTH.H2025.01 tới QTH.H2025.60, mỗi lô có giá trị phát hành 100 tỉ đồng, đều được phát hành ngày 31.8.2020).
Theo thông tin mới nhất được công bố, tính tới hết tháng 6.2024, Đầu tư Quang Thuận không thể thanh toán được gốc và lãi của toàn bộ các lô trái phiếu đang lưu hành, trong bối cảnh nửa đầu năm 2024, công ty ghi nhận lỗ sau thuế 338,7 tỉ đồng và cùng kỳ năm 2023 lỗ sau thuế 641,2 tỉ đồng.
Hay như trường hợp Công ty Cổ phần Hoàng Phú Vương (có trụ sở chính tại 15A Sông Đà, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM) cũng thuộc nhóm bất động sản với lượng trái phiếu đáo hạn giá trị lớn, thậm chí không công bố thông tin về kết quả kinh doanh từ khi phát hành lô trái phiếu HPVCB2125001 trị giá 4.670 tỉ đồng ngày 30.7.2021, sẽ đáo hạn vào ngày 30.7.2025.
Bên cạnh đó, còn hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có những lô trái phiếu trị hàng nghìn tỉ đồng sẽ đáo hạn trong năm nay nhưng trước đó đã liên tục vi phạm nghĩa vụ trả lãi và gốc.
Các doanh nghiệp này đã có loạt lô trái phiếu doanh nghiệp giãn hoãn thời gian thanh toán trước đó và vẫn còn nghĩa vụ nợ đáo hạn lớn trong 12 tháng tới. Việc này báo hiệu tình trạng chậm trả/giãn hoãn tiếp tục trong năm 2025 đối với nhóm trên.