Phát triển BHXH, BHYT tại Tiền Giang: Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ để thu hút người dân
Mới đây, Đoàn Giám sát của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội do Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn.
Ông Trần Đình Liệu – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Phấn đấu 93% dân số tham gia BHYT
Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, ông Võ Khánh Bình - Giám đốc bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Tiền Giang cho biết: Tính đến 30/4/2022, số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh là 212.471 người, chiếm 22,1% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 183.898 người, đạt 90,9% kế hoạch. Số người tham gia BHXH bắt buộc tuy có tăng so với năm 2021 (tăng 17.001 người), để đạt được kế hoạch BHXH Việt Nam giao, cuối năm phải phát triển thêm 18.660 người (bình quân mỗi tháng tăng 2.333 người).
Năm 2022, theo Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) phải đạt 93% và tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tham gia BHXH phải đạt 29%.
Để thực hiện đạt chỉ tiêu được giao, UBND tỉnh Tiền Giang giao các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển theo từng nhóm người tham gia BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, công tác thực hiện tiếp nhận hồ sơ BHXH, BHYT qua giao dịch điện tử, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ Bưu chính đã đi vào ổn định và đạt được những kết quả khả quan; triển khai giao dịch điện tử trong nộp thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác cải cách TTHC của ngành, phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a của Chính phủ.
Đáng chú ý, công tác cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt được tăng cường, đi vào ổn định, đạt kết quả tích cực.
Tính đến 30/4/2022, tổng số chi trả các chế độ BHXH là 1.094 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định: công tác phát triển BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh luôn được UBND tỉnh chú trọng và coi đây là trong những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Cần có chính sách hỗ trợ để tạo sức hút cho người dân
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Đình Liệu (Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, thành viên Đoàn công tác nhận xét): Trong thời gian qua, các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh đã chú trọng và quan tâm đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đặc biệt là sự vào cuộc của UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo đã giúp cho công tác thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn đạt kết quả tốt.
Trong thời gian tới, đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN với lộ trình, giải pháp, nhóm đối tượng tiềm năng cụ thể; đặc biệt là có các chính sách hỗ trợ mức đóng để tạo sức hút cho người tham gia, nhất là với BHXH tự nguyện. Về lĩnh vực BHYT tỉnh cũng cần có những giải pháp căn cơ hơn trong điều kiện mức đóng còn thấp nhưng các dịch vụ kỹ thuật ngày càng phát triển, nhu cầu của người tham gia cũng ngày càng tăng lên.
Kết luận buổi làm việc, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, Trưởng Đoàn giám sát kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo và thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn các giải pháp hiện có để đảm bảo chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH. Trong đó, đề ra mục tiêu cụ thể về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong từng năm; việc quản lý, sử dụng kinh phí khám chữa bệnh phải thực sự hiệu quả, đảm bảo sử dụng kinh phí khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao;
Đồng thời, quan tâm, đảm bảo kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh đối với những khoản chi không kết cấu vào giá dịch vụ để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và điều trị bệnh nhân, giảm áp lực phải tăng nguồn thu từ quỹ BHYT của các cơ sở y tế và chuyển tuyến. Việc giao quyền tự chủ cho các bệnh viện cần có lộ trình để bệnh viện có đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, có đủ nguồn để bù đắp cho các khoản chi hoạt động của bệnh viện;
Bên cạnh đó, chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan tích cực phối hợp với cơ quan BHXH trong việc thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT và công khai tình trạng trốn đóng, nợ đọng, chiếm dụng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp trên địa bàn;… Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị trong tổ chức thực hiện chính sách tại địa phương. Tăng cường tổ chức, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Đảng về BHXH, BHYT; định kỳ, thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu của nghị quyết tại địa phương, qua đó kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập để tháo gỡ, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh.