A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hư thông tin matcha có thể gây tiêu chảy

Matcha được yêu thích nhờ lợi ích sức khỏe vượt trội, nhưng tiêu thụ quá mức có thể gây rối loạn tiêu hóa, thậm chí là tiêu chảy nếu không sử dụng đúng cách.

Thực hư thông tin matcha có thể gây tiêu chảy

Lợi ích sức khỏe từ matcha. Ảnh: Thùy Dương

Loại bột trà xanh này được biết đến nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa cao, khả năng tăng cường trao đổi chất và thậm chí hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa. Vậy sử dụng quá nhiều matcha có thể gây tiêu chảy không?

Theo Tiến sĩ Archana Batra, chuyên gia dinh dưỡng và giáo dục về bệnh tiểu đường tại Ấn Độ, câu trả lời phụ thuộc vào cách bạn sử dụng matcha cũng như thể trạng cá nhân. “Matcha giàu chất chống oxy hóa và chất xơ, có thể có lợi cho tiêu hóa. Nhưng tiêu thụ quá mức, đặc biệt ở người nhạy cảm với caffeine hoặc chất xơ, có thể gây tác dụng ngược", bà giải thích.

Lợi ích sức khỏe từ matcha

Matcha được sản xuất từ lá trà Camellia sinensis xay mịn, cho phép người dùng hấp thụ toàn bộ dưỡng chất, bao gồm:

Chống oxy hóa mạnh: Matcha chứa catechin, chất chống oxy hóa có thể giúp chống viêm và bảo vệ tế bào.

Hỗ trợ trao đổi chất: Một nghiên cứu trên Current Research in Food Science cho thấy matcha có thể thúc đẩy quá trình đốt mỡ, hỗ trợ giảm cân.

Tăng sự tập trung và tỉnh táo: “Nhờ chứa L-theanine, matcha giúp thư giãn mà không gây buồn ngủ,” Tiến sĩ Batra chia sẻ.

Hỗ trợ giải độc: Diệp lục trong matcha giúp thanh lọc cơ thể, cải thiện chức năng gan và ruột.

Vậy matcha có gây tiêu chảy?

Matcha không phải là nguyên nhân gây tiêu chảy trong mọi trường hợp, nhưng một số yếu tố có thể góp phần:

Caffeine kích thích tiêu hóa: “Một khẩu phần matcha chứa khoảng 70mg caffeine. Với người nhạy cảm, đây có thể là nguyên nhân gây phân lỏng hoặc đau bụng", tiến sĩ Batra cho biết.

Hàm lượng chất xơ cao: Matcha chứa chất xơ, nếu bổ sung đột ngột vào chế độ ăn, có thể gây đầy bụng, chướng hơi hoặc tiêu chảy.

Chất lượng sản phẩm: Matcha kém chất lượng có thể chứa tạp chất hoặc phụ gia gây kích ứng hệ tiêu hóa.

Thành phần pha chế: Nhiều người dùng matcha kèm sữa, siro hoặc kem, những chất có thể khó tiêu hóa hơn cả matcha. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO EMRO), phụ gia này có thể gây rối loạn tiêu hóa.

Cách uống matcha an toàn

Bắt đầu từ lượng nhỏ: Nếu mới làm quen, nên uống từ 1/2 muỗng cà phê/ngày và tăng dần.

Uống đủ nước: Caffeine có thể gây mất nước, do đó cần bù đủ nước trong ngày.

Lắng nghe cơ thể: Nếu có biểu hiện bất thường như đau bụng, tiêu chảy hay buồn nôn, hãy giảm lượng dùng hoặc ngừng uống.

Ai nên thận trọng với matcha?

Phụ nữ mang thai và cho con bú: Do có caffeine, nên hạn chế dùng quá nhiều matcha. “Phụ nữ mang thai nên kiểm soát lượng caffeine từ mọi nguồn, kể cả trà xanh", bác sĩ sản khoa Sadhna Singhal Vishnoi khuyến cáo.

Người mắc bệnh đường ruột: Những người có hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc viêm ruột nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng matcha.

Người đang dùng thuốc đặc biệt: Matcha có thể tương tác với thuốc chuyển hóa qua gan hoặc ảnh hưởng đến huyết áp và tim mạch.

Matcha là một lựa chọn lành mạnh nếu được tiêu thụ đúng cách. Tuy nhiên, không nên “thần thánh hóa” và lạm dụng. Nếu bạn gặp tình trạng tiêu chảy hoặc khó chịu đường tiêu hóa sau khi uống matcha, hãy điều chỉnh lượng dùng hoặc tham khảo chuyên gia sức khỏe.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật