A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trách nhiệm với người có công

“Các gia đình chính sách phải luôn được hưởng đầy đủ thành quả của sự nghiệp đổi mới”, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói như vậy tại cuộc gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu người có công với cách mạng (NCCVCM) tiêu biểu toàn quốc năm 2024, diễn ra hôm 22/7.

Ảnh minh họa (nguồn internet).

Ảnh minh họa (nguồn internet).

77 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ; Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” với NCCVCM và thân nhân. Đến nay, cả nước đã xác nhận được 9,2 triệu NCCVCM và thân nhân người có công; chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội.

Điều này thể hiện một phần bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN mà Việt Nam đang xây dựng. Ngoài sự chăm lo của Đảng, Nhà nước; phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCCVCM”, ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng thực hiện, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Về phong trào này, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hơn 10 năm qua, cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới và sửa chữa hàng trăm ngàn căn nhà; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng; hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; có 2.412 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Những việc làm này thể hiện truyền thống, đạo lý người Việt và văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn một số việc đòi hỏi sự cố gắng, như triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), để các liệt sĩ về với gia đình. Cơ quan hữu trách cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về NCCVCM, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

“Phấn đấu bảo đảm 100% người có công phải có mức sống trên mức trung bình so với dân cư cùng địa bàn”, đó là chỉ đạo của Chủ tịch nước Tô Lâm. Phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, phải tiếp tục được phát huy. Chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCCVCM, không phải chỉ vì “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” mà còn thông qua công tác này giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ mai sau, để bồi đắp niềm tin, tự hào dân tộc.

Hành động “Đền ơn đáp nghĩa” là bổn phận, tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bù đắp hậu quả do chiến tranh để lại.


Tác giả: Ngô Đức Hành
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan