Vì sao các ngân hàng liên tục tăng lãi suất tiền gửi gần đây?
Ngoài việc chuẩn bị thanh khoản, đảm bảo nhu cầu tín dụng; theo Chứng khoán MB, có một nguyên nhân khác thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi là việc nợ xấu tăng cao.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn dự báo dao động quanh 5,1% - 5,2% vào cuối năm
Trên thị trường 1, tuần qua tiếp tục ghi nhận 4 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm là OCB, Bac A Bank, Techcombank, OceanBank. Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất đã vượt mức 6%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Trước đó, trong tháng 8, lãi suất tiết kiệm có xu hướng vẫn trên đà tăng, mặc dù có phần chững lại khi lác đác xuất hiện vài ngân hàng quay đầu điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,1 – 0,3 điểm phần trăm. Việc này diễn ra trong bối cảnh áp lực lạm phát và áp lực thanh khoản hệ thống đã vơi bớt sau những nỗ lực can thiệp của NHNN.
Lý giải vì sao các ngân hàng liên tục tăng lãi suất tiền gửi, Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng nguyên nhân do tổ chức tín dụng cần tăng cường thanh khoản trong bối cảnh cầu vốn tín dụng dần trở lại và ngày càng rõ nét về cuối năm. Nhu cầu vốn được dự báo cải thiện trong các tháng còn lại của năm, nên ngân hàng tăng huy động để chuẩn bị tốt thanh khoản, đáp ứng cầu tín dụng.
Còn theo Chứng khoán MB (MBS), có một nguyên nhân khác thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi là việc nợ xấu tăng cao (nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 năm nay đã tăng 5,77% so với cuối năm 2023). Động thái tăng lãi suất đầu vào sẽ giúp thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
“Mặc dù lãi suất huy động tại các ngân hàng đã xuất hiện nhiều đợt điều chỉnh tăng, song lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm NHTM chỉ tăng nhẹ 6 điểm cơ bản so với đầu năm lên mức 4,9%, trong khi lãi suất của nhóm NHTMCP quốc doanh vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%, thấp hơn 26 điểm cơ bản so với đầu năm”, MBS nhận định.
Dự báo về triển vọng các tháng cuối năm, MBS cho rằng lãi suất tiết kiệm sẽ tăng nhẹ 20 điểm cơ bản.
“Chúng tôi cho rằng sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào. Tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đã tăng 7,15%, cao hơn so với mức 5,3% ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, việc lạm phát ở mức thấp và FED hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Dựa vào các yếu tố trên, chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 20 điểm cơ bản, dao động quanh mức 5,1% - 5,2% vào cuối năm 2024”. báo cáo mới của MBS cho hay.
Về lãi suất cho vay, nhóm phân tích ABS nhận định khi lãi suất tiền gửi tăng, mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng theo, nhưng trước mắt là duy trì ổn định theo chủ trương của Chính phủ, NHNN nhằm kích cầu vốn, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân vượt qua giai đoạn khó khăn dù dư địa giảm lãi vay không còn nhiều.
Tuy nhiên, ABS lưu ý rằng việc hạ lãi suất có nguy cơ gây áp lực lên tỷ giá. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi và tín dụng tăng trưởng tích cực trở lại cũng tạo áp lực lên lãi suất cho vay hiện nay. Do đó, lãi suất cho vay khó giảm thêm trong ngắn hạn.
Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ tỷ giá ổn định trong các tháng cuối năm
Trong tuần qua, tỷ giá biến động nhẹ. Cụ thể, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở 3 phiên đầu tuần và giảm trở lại ở 2 phiên cuối tuần. Chốt ngày 20/9, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.172 VND đổi 1 USD, giảm 30 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
ABS nhận định thị trường ngoại hối gần đây ghi nhận tình trạng tỷ giá có xu hướng giảm nhẹ và giao dịch với biên độ hẹp. Tuy nhiên lưu ý tiền đồng sẽ chịu áp lực trong bối cảnh nhu cầu đô la thanh toán quốc tế và thanh khoản tiền đồng sẽ tăng lên vào cuối năm, dẫn dắt xu hướng tiếp theo của tỷ giá.
Ở góc nhìn lạc quan, nhóm phân tích MBS cho rằng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 24.700 – 24.900 VND/USD trong các tháng cuối năm dưới những yếu tố tích cực như: Thặng dư thương mại tích cực (~19,1 tỷ USD trong 8T24), dòng vốn FDI (14,15 tỷ USD, +8% svck) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (+45,8% svck trong 8 tháng đầu năm 2024). Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.