A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá phân bón nhích lên từng ngày, Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao (LAS) thu gần 3.000 tỷ trong 9 tháng

Trong bối cảnh giá phân bón toàn cầu đang nhích lên từng ngày, CTCP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao (mã: LAS) ước tính kết quả kinh doanh quý III tăng tới 37% so với cùng kỳ.

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của LAS đạt 2.990 tỷ đồng tăng 19% so với cùng kỳ, hoàn thành 92% kế hoạch năm. Còn tính riêng quý III, doanh thu của công ty đạt 840 tỷ đồng tăng 37% so với cùng kỳ.

Sang quý IV, công ty đặt mục tiêu doanh thu 928 tỷ đồng và duy trì sản xuất ổn định kết hợp với tổ chức đại tu các dây chuyền sản xuất.

Gần đây, giá phân bón trong nước có xu hướng tăng trong bối cảnh Trung Quốc - nước sản xuất và tiêu thụ urê hàng đầu thế giới yêu cầu một số công ty sản xuất phân bón dừng xuất khẩu mặt hàng này hồi đầu tháng 9, sau khi giá trong nước tăng vọt.

Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), đà tăng giá của phân bón có thể kéo dài đến vụ Đông Xuân - vụ sản xuất chính nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là lúa  gạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, mức tăng của giá các loại phân bón không đột biến như giai đoạn xung đột chính trị, khủng hoảng năng lượng.

Trong báo cáo về triển vọng ngành phân bón cuối năm công bố mới đây, Công ty Chứng khoán BSC cho rằng giá phân bón trong nước sẽ duy trì xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2023 để bắt kịp đà tăng của giá ure thế giới (ước tính trong 2 quý cuối năm có thể tăng lên mức 11.500 – 11.800 đồng/kg, tương ứng 25 – 30% so với mức đáy hồi đầu tháng 6).

Từ đầu tháng 9, theo nguồn tin của Bloomberg, một số nhà sản xuất phân bón lớn của Trung Quốc đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới từ đầu tháng này theo yêu cầu của Chính phủ và hạn chế này chỉ áp dụng đối với phân ure. Điều này đã tác động không nhỏ tới thị trường phân bón toàn cầu, bởi Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ urê hàng đầu thế giới, nên việc đưa ra lệnh hạn chế xuất khẩu phân urê có thể tạo ra nguy cơ thắt chặt nguồn cung và đẩy giá phân bón tăng cao. Các thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của Trung Quốc là Ấn Độ, Hàn Quốc, Myanmar, Australia.

Ngoài Trung Quốc, một quốc gia khác nằm trong top đầu về xuất khẩu phân bón là Morocco xảy ra trận động đất mạnh nhất thế kỷ vào ngày 8/9 sẽ tác động đến nguồn cung phân bón thế giới trong ngắn hạn. Morocco sở hữu 70% sản lượng đá phốt pho của thế giới, có lợi thế về sản xuất phân bón, phân lân.

Các sự kiện trên đã thúc đẩy giá urê trên thị trường phân bón thế giới tiếp tục tăng, sau khi có mức tăng mạnh do các yếu tố như căng thẳng leo thang ở Biển Đen, nhu cầu urê từ Ấn Độ tăng đột biến (do sản lượng trong nước giảm và diện tích trồng lúa tăng), Ai Cập cắt giảm 30% lượng khí cho sản xuất phân bón (năm ngoái, Ai Cập chiếm 4% sản lượng sản xuất và 8% sản lượng xuất khẩu urê toàn cầu).

Theo thông tin từ Investing, tính riêng phiên giao dịch ngày 8/9, giá urê thế giới đạt 452 USD/tấn, tăng 50% so với cuối tháng 6, tương đương mức giá đầu năm 2023 (nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ cũng như mức bình quân năm 2022).

Cùng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng chỉ ra những tín hiệu tích cực hỗ trợ ngành trong nửa cuối năm. Theo đó, cuộc đấu thầu phân bón tại Ấn Độ trong tháng 8 có thể tạo tâm lý tích cực trong ngắn hạn lên giá ure. Ngoài ra, việc Brazil và Mỹ đang bước vào mùa gieo trồng có thể hỗ trợ giá phân bón. Theo VDSC, giá ure thế giới có thể tăng trong nửa cuối năm 2023 và thị trường nội địa của Việt Nam cũng diễn biến cùng pha. Ngoài ra tại Việt Nam, sản lượng sản xuất ure trong 6 tháng cuối năm thường cao hơn nửa đầu năm 5-12%, chủ yếu phục vụ cho vụ mùa Đông-Xuân.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật