Hành trình hồi sinh, đưa chè rừng Hà Giang ra thế giới
Những cây chè cổ thụ tự nhiên xen lẫn cỏ cây giữa rừng cứ ngỡ đã bị lãng quên nay có giá trị lên đến vài triệu đồng mỗi kg, nhờ đó cuộc sống của đồng bào vùng cao cũng ngày một khởi sắc. Nhưng ít ai biết rằng, một người đàn ông đã dành cả thanh xuân để gìn giữ những cây chè hoang dại ấy.
Bén duyên với chè từ nhỏ
Hai dãy núi Chiêu Lầu Thi và Tây Côn Lĩnh hùng vĩ cắt ngang thành từng lớp bao bọc người Dao, người Nùng, người H’Mông… ở Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Xưa nay vốn có nhiều câu chuyện ly kỳ cùng những di sản mà hiếm tìm được nơi nào có. Chè rừng là một trong những di sản ấy, sống cùng đồng bào dân tộc vùng cao bao đời nay.
Những già làng ở vùng núi cao này kể, nhiều cây chè đến nay có tuổi thọ hàng trăm năm. Xưa kia người Dao có tập quán sống trên lưng chừng núi, vì thế mà trồng chè ở đây, mỗi khi vụ chè đến, người dân lại gùi chè xuống núi bán. Sau này, cây chè có giá thấp, người dân có những cuộc thiên di xuống vùng thấp hơn nên cây chè dần bị lãng quên, vùng chè ấy dần dà trở thành hoang dại, không ai chăm sóc. Mãi cho đến khi có người “hồi sinh” chúng, biến chúng trở thành món quà đắt giá mà thiên nhiên vùng này ban tặng.
Người đàn ông dành cả thanh xuân với cây chè ấy là Triệu Văn Mềnh (SN 1982), Mềnh sinh ra tại thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), hiện là chủ cơ sở sản xuất chè Việt Shan, địa điểm tại thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì.
Mềnh sinh ra ở vùng đất nổi tiếng về chè, học làm chè kể từ khi mới 15 tuổi. Ngày ấy, lá chè non sau khi hái về phải sao bằng tay, rồi vò bằng chân, đám thanh niên cùng tuổi với Mềnh chân tay đen nhèm như bôi nhọ nồi, chân nứt toác. Vào mùa chè, khắp làng thoang thoảng mùi hương của núi rừng.
Năm 2009, chàng thanh niên Triệu Văn Mềnh vào làm việc tại Hợp tác xã (HTX) chè Phìn Hò, sau một thời gian phấn đấu được giữ chức Giám đốc HTX. Tại đây, Giám đốc 8X đã từng bước đưa thương hiệu chè Phìn Hò ra hội nhập với các thương hiệu lớn, từ đó đưa chè Hoàng Su Phì ra những thành phố lớn trên cả nước.
Chè rừng được đồng bào chăm sóc theo hướng bền vững. |
Thăng trầm hồi sinh chè rừng
Với mong muốn hồi sinh cho những cây chè cổ thụ mọc hoang dại trên núi rừng, đến năm 2014, Giám đốc 8X bắt đầu khăn gói tìm hiểu về chè rừng. Đặc biệt là chè mọc ở những khu vực có núi cao như: Chiêu Lầu Thi, Tây Côn Lĩnh… Nhân dân ở vùng rẻo cao này gọi chè ở đây là Phin Tra Trà (tức Chè Tiên). Theo lời doanh nhân này, chè ở đây có nhiều điểm khác biệt so với những cây chè trồng ở vùng núi thấp như: búp đỏ hơn, lông nhiều hơn, hương thảo mộc, vị ngọt mát nhẹ, chứa hàm lượng cao các chất có lợi cho sức khỏe... Từ đó, Triệu Văn Mềnh quyết định đến từng nhà khuyến khích người dân tiếp tục chăm sóc chè rừng và hứa hẹn sẽ giúp bà con nhân dân thu mua với giá cao.
Với chất lượng chè có một không hai, chỉ thời gian ngắn chè rừng đã được nhiều thị trường lớn như: TP HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng… ưa chuộng. Thậm chí, sản phẩm chè rừng của anh còn vươn xa ra thế giới đến các nước như: Đài Loan (Trung Quốc), các nước Liên minh Châu Âu (EU)…
Bên cạnh “trái ngọt” có từ sự nỗ lực phấn đấu thì thực tế vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Đặc biệt, năm 2016 thương lái Trung Quốc ồ ạt truyền tin thu mua chè với giá cao khiến nhiều hộ dân lên rừng đốn cây chè cổ thụ hái bán, lúc này chè rừng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Trước thực trạng xót xa đó, doanh nhân 8X lại đến từng nhà vận động để người dân không phá chè, giải thích về tính kinh tế lâu dài của cây chè.
Năm 2017, doanh nhân Triệu Văn Mềnh bắt đầu đi tìm thử thách mới, ấy là tự mình xin tách ra khỏi HTX chè Phìn Hò và mở cơ sở sản xuất chè Việt Shan tại thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty. “Bảo tồn chè rừng là nhiệm vụ mà bản thân tôi đau đáu từ lâu và đến giờ vẫn đang cố gắng thực hiện. Ngoài gìn giữ, tôi còn đang cố gắng nhân rộng cây chè shan tuyết. Hiện vùng chè của tôi đã có diện tích lên đến hàng trăm héc ta”, doanh nhân trẻ cho hay.
Bà Phùng Mùi Khé (94 tuổi), trú tại thôn Nậm Piên vui mừng cho biết: “Cây chè gần gũi với tuổi thơ của mỗi người dân vùng cao. Từ lúc có cơ sở sản xuất chè Việt Shan giá chè cao hơn, họ cũng bảo chúng tôi không phun thuốc hóa học họ mới mua nên chè ở đây rất chất lượng. Mỗi kg chè nguyên búp tươi có giá đến hơn 1 triệu, chè khô còn có giá thị trường lên đến 4-5 triệu đồng. Nhiều nhà giàu lên từ cây chè, có gia đình mua được cả ô tô, tậu được cả đất ở thị trấn nhờ chè rừng”.
Ông Nông Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Nậm Ty cho biết: “Cơ sở sản xuất chè Việt Shan luôn là doanh nghiệp địa phương mà chúng tôi đặc biệt tự hào mỗi khi nhắc đến tại các cuộc họp quan trọng. Xã cũng thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp tuyên truyền người dân bảo tồn chè cổ thụ, hướng dẫn người dân phương pháp chăm sóc chè rừng sao cho an toàn, bền vững”.