Lạc quan về tình hình kinh doanh, FECON lên kế hoạch lợi nhuận tăng tới 565%
Năm 2025, CTCP Fecon (mã: FCN) trình cổ đông kế hoạch doanh thu hợp nhất 5.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 200 tỷ đồng, đồng loạt tăng 48% và 565% so với kết quả năm 2024. Mục tiêu này dựa trên cơ sở các dự án bản lề quy mô lớn đã được Fecon triển khai trong nửa cuối 2024, cùng với dự báo về sự phục hồi của thị trường xây dựng.
Dự báo 3/4 lợi nhuận trong năm 2025 đến từ dự án Phổ Yên và Đoan Bái - Danh Thắng
ĐHĐCĐ thường niên CTCP FECON. Ảnh: Mai Trang.
Sáng 28/4, FECON đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Tại đại hội, ban lãnh đạo Fecon đánh giá 2024 là một năm mà thị trường xây dựng và bất động sản chưa thể hồi phục sau những khủng hoảng của các doanh nghiệp bất động sản lớn trong nước giai đoạn 2023 - 2024.
Nhu cầu xây dựng giảm, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở và thương mại cũng các dự án năng lượng tái tạo, điện khí, trong khi các dự án hạ tầng trọng điểm như đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia điểm rơi thi công phải từ năm 2026 trở đi.
Kết thúc năm 2024, Fecon ghi nhận doanh thu hợp nhất 3.375 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 30 tỷ đồng, lần lượt tương ứng 84% và 20% kế hoạch đề ra.
Ở mảng xây dựng, năm ngoái Fecon tiếp tục triển khai và hoàn thành các hợp đồng dự án đã ký trước đó như tuyến metro số 3 Hà Nội; dự án điện khí Nhơn Trạch 3, 4 Đồng Nai; dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 Hà Tĩnh; dự án A09 số 10 Trần Kim Xuyến - Hà Nội; dự án A06 Starlake Hà Nội; dự án Vũ Yên Vinhomes Hải Phòng...
Bên cạnh đó còn có các dự án lớn mới ký kết hợp đồng đầu năm 2024 như hạ tầng Cảng Lạch Huyện 5-6, Dự án Cảng Mỹ Thủy, Khu công nghiệp Đồng Văn 3, Khu đô thị Hà Khánh, Khu đô thị Nam Thái...
Bước sang 2025, Fecon trình cổ đông kế hoạch doanh thu hợp nhất 5.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 200 tỷ đồng, đồng loạt tăng 48% và 565% so với kết quả năm 2024. Mục tiêu này dựa trên cơ sở các dự án bản lề quy mô lớn đã được Fecon trong nửa cuối 2024, cùng với dự báo về sự phục hồi của thị trường xây dựng.
Theo đại diện doanh nghiệp, trong 200 tỷ dự báo lợi nhuận sau thuế trong năm 2025, mảng thi công đóng góp 55 tỷ đồng, mảng đầu tư là 145 tỷ đồng từ dự án Phổ Yên và Đoan Bái - Danh Thắng.
Theo ban lãnh đạo, năm 2025, thị trường xây dựng được dự báo sẽ phục hồi dần và phát triển mạnh mẽ hơn để hướng tới nhiều cơ hội bứt phá. Kế hoạch kinh doanh được xây dựng dựa trên các công trình có quy mô lớn đã được ký kết trong nửa cuối năm 2024 ở các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, cảng biển, xử lý nước thải, công trình ngầm và dân dụng.
Cụ thể, tháng 11/2024, Fecon đã được chấp thuận chủ tưởng đầu tư KCN Hòa Yên, Bắc Giang với quy mô 257 ha, tổng vốn 3.700 tỷ. Đây là dự án trọng điểm mà Fecon sở hữu 51%, hiện đang chuẩn bị các thủ tục giải phóng mặt bằng để triển khai, lợi nhuận dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng.
CCN Danh Thắng - Đoan Bái tại Bắc Giang (75 ha, 954 tỷ, Fecon dự kiến sở hữu 51%) hiện đã được thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở và báo cáo đánh giá tác động môi trường, bắt đầu thực hiện công tác giải phóng mặt bằng từ tháng 3, dự kiến khởi công xây dựng hạ tầng vào quý II và bắt đầu ghi nhận doanh thu vào cuối năm 2025, lợi nhuận dự kiến 400 tỷ đồng.
Tháng 6 năm ngoái, Fecon đã khởi công KĐT Nam Thái (Square City) trên diện tích 25 ha, tổng vốn gần 3.000 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 100%. Hiện tại, dự án đã được giao đất 2 đợt với tổng diện tích 15,2 ha, đang triển khai thi công phần hạ tầng. Dự án cũng đã được xác nhận đủ điều kiện mở bán và mang về dòng tiền trong năm 2025, lợi nhuận dự kiến 450 tỷ đồng.
Dự án khu du lịch sinh thái tại Cao Bằng (82 ha) Fecon đang trong giai đoạn tìm nhà đầu tư để chuyển nhượng.
Bên cạnh các dự án nói trên, hiện Fecon đang phát triển thêm một số dự án mới, với một khu đô thị tại Hưng Yên (218 ha, 16.000 tỷ đồng). Dự án này đã được phê duyệt quy hoạch 1/500, hiện đang triển khai hoàn thành các thủ tục pháp lý đầu tư trong năm 2025.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang phát triển mới loạt bất động sản đô thị và công nghiệp tại các đô thị vệ tinh với tổng diện tích 340 ha.
Chủ tịch Fecon Phạm Việt Khoa cho biết, mục tiêu của doanh nghiệp là đến năm 2030 doanh thu sẽ đạt 11.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 915 tỷ đồng, tăng vốn chủ sở hữu lên 8.007 tỷ đồng.
Thi công và đầu tư là 2 mũi nhọn chính cho năm 2025
Theo lãnh đạo Fecon, giá trị backlog trong 2024 chuyển tiếp sang 2025 còn 2.500 tỷ đồng, gồm Cảng Mỹ Thủy (hơn 600 tỷ) đang làm tổng thầu; KCN Hà Khánh - Quảng Ninh; trụ sở Công an tỉnh Quảng Ninh; gói thầu tại tuyến Metro số 3 Hà Nội dự kiến xong trong năm nay để ghi nhận doanh thu.
Tính đến hết quý I/2025, Fecon đã ký thêm được 1.300 tỷ, gồm nhà để xe sân bay Long Thành; Nhà máy điện rác Củ Chi và một số dự án nhỏ hơn khác...
Theo chiến lược đặt ra, Fecon có kế hoạch tăng trưởng cả hai mảng là thi công và đầu tư.
"Mảng đầu tư 4 - 5 năm qua rất khó khăn để hiện thực thành doanh thu và lợi nhuận, song công tác triển khai dự án thì tích cực, điểm rơi dòng tiền sẽ là 2025 - 2027, đặc biệt năm 2027 kết quả sẽ rất khả quan khi bán xong Square City và 2 khu công nghiệp.
Tuy nhiên, nghề core của Fecon vẫn là xây dựng, kế hoạch 2028 - 2029 trở đi mảng xây dựng vẫn chiếm 60% lợi nhuận, còn tầm nhìn mảng đầu tư chỉ chiếm 40%. Mục tiêu cốt lõi là tích lũy tài sản cho tập đoàn, các mảng hạ tầng, công trình ngầm, cảng chúng tôi tập trung để trở thành đơn vị thi công hàng đầu", lãnh đạo doanh nghiệp nói.
Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tập trung ưu tiên vào các dự án ngầm đô thị, đường sắt đô thị, dự án cảng, tuyến đường sắt quốc gia mà trước mắt là tuyến Lào Cai - Hải Phòng. Metro thì Fecon đã được tham gia phần ngầm cả ở TP HCM và Hà Nội. Thời gian tới Fecon kỳ vọng sẽ tham gia tuyến số 2 Hà Nội và tuyến số 2 TP HCM.
"Các đối tác chiến lược của Fecon thì chúng tôi có lợi thế về những dự án cảng lớn, công nghệ của đối tác giúp giải quyết được các bài toán xây dựng ở cảng Lạch Huyện và sắp tới sẽ ở các kho cảng lớn khác", ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON nhận định.
Về nguồn vốn thực hiện các dự án lớn, ban lãnh đạo cũng cho biết doanh nghiệp có các đối tác đầu tư đi cùng chứ không đầu tư 100%. Hiện 2 dự án KCN và Square City nằm trong khả năng huy động vốn của Fecon. Song các dự án TOD và bất động sản sắp tới quy mô đầu tư khoảng 20.000 tỷ thì Fecon sẽ tham gia đầu tư nhỏ hơn 50%, chủ yếu là vốn từ nhà đầu tư nước ngoài mà công ty đang làm việc.
Trả lời cổ đông về tác động của tình hình thuế quan Mỹ, Chủ tịch FECON cho biết: "Hầu hết các doanh nghiệp đều ảnh hưởng về vấn đề thuế, bản thân Fecon cũng có ảnh hưởng, ví dụ những dự án chuẩn bị ký hợp đồng thì các chủ đầu tư do dự. Các khu công nghiệp của Fecon đã đặt cọc diện tích KCN sớm thì cũng bị chậm lại. Đương nhiên mảng xây dựng chủ yếu hướng vào thị trường trong nước, không ảnh hưởng trực tiếp như các doanh nghiệp sản xuất".
"Về giải pháp lâu dài, Fecon sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến tiếp theo. Trước mắt, chúng tôi sẽ lựa chọn những khách hàng ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế để lấy ngắn nuôi dài, còn về lâu dài vẫn phải chờ kết quả đàm phán", vị Chủ tịch nói thêm.
Trang Mai