Mở rộng rầm rộ, lợi nhuận teo tóp: Bức tranh trái ngược của các ‘ông lớn’ bệnh viện tư
Các bệnh viện tư nhân đang ra sức mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động khi nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng thu về thành quả như mong đợi.
Việt Nam hiện là quốc gia đông dân thứ ba (khoảng 100 triệu người) ở Đông Nam Á sau Indonesia, Philippines. Với quy mô dân số ngày càng gia tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng khiến mức độ quan tâm sức khỏe của người dân tăng cao.
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, chi tiêu y tế bình quân một người có khám, chữa bệnh ở nước ta năm 2022 là 2,5 triệu đồng, thấp hơn so với con số của năm 2020 là hơn 3 triệu đồng do người dân có tâm lý e ngại đi khám sau dịch COVID-19.
Nhìn vào mức chi tiêu y tế này, Việt Nam đang ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan). Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng của ngành y tế còn rất lớn. Trên sàn chứng khoán hiện nay có hai đơn vị niêm yết là CTCP Tập đoàn Bệnh viện TNH, tên cũ là Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (Mã: TNH) và CTCP Bệnh viện Tim Tâm Đức (Mã: TTD).
Người dân ngồi chờ khám bệnh tại một bệnh viện tư ở Hà Nội. (Ảnh: Lâm Anh).
Được thành lập vào năm 2012, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (Mã: TNH) có vốn điều lệ ban đầu là 27,7 tỷ đồng, sau nhiều lần điều chỉnh, vốn điều lệ hiện tại đạt gần 1.442 tỷ đồng.
TNH đang sở hữu 3 cơ sở là Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên với quy mô 400 giường, Bệnh viện Đa Khoa Yên Bình và Bệnh viện TNH Việt Yên cùng có 150 giường. Với số lượng giường lên tới 700, TNH hiện là hệ thống bệnh viện ngoài công lập lớn nhất các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc.
Bệnh viện TNH. (Ảnh: Lâm Anh).
Bên cạnh đó, công ty đang triển khai xây dựng Bệnh viện TNH Lạng Sơn với quy mô 300 giường, cập đến cuối tháng 3, tiến độ bệnh viện đạt 84,3%. Bên cạnh đó, TNH đang lập kế hoạch xây dựng Bệnh viện TNH Hà Nội, địa điểm dự kiến xây dựng là khu đô thị Ciputra (Hà Nội).
Công ty đặt đặt mục tiêu đến năm 2030 có 10 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ở các tỉnh, thành phố với tổng số giường bệnh là 3.000.
Về tình hình kinh doanh, từ năm 2015 đến năm 2019, doanh thu TNH chỉ dao động 210 – 280 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 80 – 105 tỷ đồng. Phải đến năm 2020, thời điểm TNH đưa bệnh viện thứ hai đi vào hoạt động cũng như mở rộng quy mô cơ sở đầu tiên, TNH mới ghi nhận những đột phá mới.
Giai đoạn 2020 – 2024, bệnh viện đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng dương liên tiếp. Năm 2023 công ty đạt đỉnh doanh thu với 532 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 139 tỷ đồng giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Đến năm 2024, TNH không duy trì được phong độ. Doanh thu cả năm chỉ đạt 440 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ; lãi sau thuế giảm 68% xuống 45 tỷ đồng do công ty tập trung nguồn lực đưa dự án Bệnh viện TNH Việt Yên đi vào hoạt động (từ tháng 11/2024). Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của cơn bão Yagi (cơn bão số 3) trong quý III diễn ra dài ngày khiến lượng bệnh nhân đến thăm khám và điều trị nội trú suy giảm.
Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.
Về Bệnh viện Tim Tâm Đức, đơn vị này chính thức đi vào hoạt động năm 2006 với quy mô 250 giường. Bệnh viện hiện có vốn điều lệ hơn 155 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm ngoái, số lượng bệnh nhân của Tâm Đức chủ yếu ở TP HCM (39%) và các tỉnh phía Nam (43%). Trong đó, bệnh nhân là người nước ngoài đã khám ở Tim Tâm Đức tăng qua các năm, chủ yếu đến từ các quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Nhật, Hàn Quốc…
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2015 – 2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty đều ghi nhận tăng trưởng. Trong hai năm tiếp theo, kết quả kinh doanh Tim Tâm Đức đều suy giảm so với cùng, riêng năm 2021, lợi nhuận sau thuế còn rơi xuống mức 11 tỷ đồng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Từ năm 2022 – 2024, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, tình hình kinh doanh của bệnh viện đã khởi sắc. Năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu lợi nhuận kỷ lục với 778 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 84 tỷ đồng.
Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.
Bên cạnh TNH và Tim Tâm Đức, trên thị trường hiện nay cũng có nhiều hệ thống bệnh viên tư hoạt động.
Nếu xét về quy mô doanh thu, Bệnh viên đa khoa quốc tế Vinmec của Tập đoàn Vingroup là một trong những hệ thống đứng đầu thị trường. Được thành lập vào tháng 11/2012, Vinmec hiện có 10 bệnh viện và phòng khám với công suất 1.660 giường bệnh tính đến cuối năm 2024.
Năm ngoái, hệ thống bệnh viện này đã phục vụ 985.000 lượt bệnh nhân tới khám và điều trị. Theo BCTC thường niên của Vingroup cho thấy kể từ khi thành lập, mảng y tế của tập đoàn này có lãi lần đầu vào năm 2014, sau đó chưa ghi nhận thêm.
Trong năm 2024, tổng doanh thu thuần hoạt động y tế và các dịch vụ liên quan của Vingroup đạt 4.617 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước, lỗ trước thuế hơn 935 tỷ đồng.
Bệnh viên đa khoa quốc tế Vinmec. (Ảnh: Lâm Anh).
Về CTCP Y khoa Hoàn Mỹ (chủ chuỗi bệnh viện Hoàn Mỹ), một trong những bệnh viện tư đầu tiên của Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2007, hiện có 14 bệnh viện và 5 phòng khám trên toàn quốc.
Theo số liệu công bố trên Cbonds - chuyên trang trái phiếu của HNX, năm 2024, Hoàn Mỹ ghi nhận lợi nhuận sau thuế sau thuế gần 553 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ.
Nguồn: Lâm Anh tổng hợp trên Cbonds.
Còn chuỗi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ghi nhận lợi nhuận tương đối mỏng dù doanh thu lên tới hàng trăm tỷ đồng, theo Znews. Giai đoạn 2019-2020, chuỗi bệnh viện tư này chỉ lãi sau thuế lần lượt 1,14 tỷ đồng và 380 triệu đồng dù doanh thu cùng năm đạt tới 660 tỷ và 745 tỷ đồng.
Theo giới thiệu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đi vào hoạt động từ tháng 9/2016. Hiện tại, bệnh viện có 4 cơ sở, trong đó ba cơ sở đặt tại TP HCM, còn lại ở Hà Nội.
Giữa năm 2023, Thomson Medical Group thông báo chi hơn 380 triệu USD để mua lại Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam (FEMV), chủ quản Bệnh viện FV, qua đó đưa thương vụ này trở thành giao dịch M&A lớn nhất Đông Nam Á trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe kể từ năm 2020.
Bệnh viện FV được thành lập vào năm 2003 bởi bác sĩ Jean-Marcel Guillon và một nhóm bác sĩ người Pháp. Đơn vị đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho người dân sống tại TP HCM và các khu vực lân cận.
Bệnh viện FV hiện có 236 bác sĩ Việt Nam và nước ngoài, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tại hơn 30 chuyên khoa nội và ngoại, với quy mô 220 giường bệnh
Công bố từ Thomson Medical Group, FEMV ghi nhận lợi nhuận EBITDA đạt 19,5 triệu USD trong năm 2022, tương đương 462 tỷ đồng. Từ năm 2019-2022, doanh thu của Bệnh viện FV ghi nhận tốc độ tăng trưởng hàng năm (tính theo Đôla Singapore) là 8,2%, trong khi EBITDA tăng 13,9% và lợi nhuận sau thuế tăng 14,8%, theo Znews.