Nâng tầm thương hiệu cà phê Việt trên đất đỏ Tây Nguyên
Tự hào là vùng đất cho ra loại cà phê ngon nhất thế giới, từ chỗ xuất thô, hiện nay, cà phê Tây Nguyên ngày càng được nâng tầm thương hiệu, khẳng định vị thế.
Tự hào là vùng đất cho ra loại cà phê ngon nhất thế giới, từ chỗ xuất thô, hiện nay, cà phê Tây Nguyên ngày càng được nâng tầm thương hiệu, khẳng định vị thế quan trọng trên bản đồ cà phê thế giới. |
T Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), hầu hết cà phê của nước ta đều được trồng trên đất đỏ bazan, chiếm 97,5% diện tích và khu vực khác chỉ chiếm 2,5% diện tích. Đặc biệt, vùng Tây Nguyên của Việt Nam cực kỳ nổi tiếng với đất đỏ bazan, bởi đây là nơi sản xuất ra những hạt cà phê có hương vị đậm đà nhất. Tại Tây Nguyên, cà phê cũng chủ yếu được trồng tại các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, được phê duyệt tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Báo Công Thương, Chuyên gia kinh tế Lương Văn Tự - nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN; nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta đứng đầu thế giới. Trong những năm vừa qua, chất lượng cà phê Việt Nam đã được chú ý và được nâng lên rất nhiều. Chính vì vậy, các doanh nghiệp rang xay đã sử dụng rất nhiều cà phê Robusta Việt Nam để chế biến trước khi xuất khẩu. Việc tăng chế biến đã và đang giúp nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trên thị trường, cũng giúp cải thiện đời sống của bà con, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và trồng cà phê. |
![]() |
“Người tiêu dùng thế giới biết đến và ưa chuộng cà phê Robusta Việt Nam do loại cà phê này có hương thơm, vị ngọt nhẹ, khác hẳn với cà phê Robusta của các nước khác. Cà phê Arabica của Việt Nam cũng có hương vị rất riêng nhờ khí hậu, thời tiết và thổ nhưỡng đặc biệt ở Việt Nam” – ông Lương Văn Tự nói. Thật vậy, cà phê Việt Nam đã và đang không chỉ khẳng định vai trò là một loại thức uống mà còn được nâng tầm lên thành văn hoá cà phê. Nhắc đến cà phê Việt Nam là nhắc đến vùng đất đỏ bazan khu vực Tây Nguyên màu mỡ, nơi nuôi lớn những cây cà phê đặc sản – loại cây đã giúp biết bao gia đình bà con đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Đến Việt Nam từ năm 1857, cây cà phê bắt rễ với vùng đất đỏ bazan và trở thành nét văn hóa đặc sắc của đất và người Tây Nguyên, biểu tượng của sự giao lưu, kết nối Việt Nam với thế giới. Cây cà phê bám đất Tây Nguyên, đã giúp cho hàng triệu bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thoát nghèo, vươn ra thế giới. Với thổ nhưỡng màu mỡ, khí hậu ôn hòa cùng độ cao phù hợp, Đắk Lắk là vùng đất lý tưởng của cây cà phê Robusta với hương vị đậm đà, độc đáo, chinh phục những người yêu cà phê trong và ngoài nước. Đắk Lắk từ lâu đã được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê của Việt Nam”; hoàn toàn có đủ tiềm năng, lợi thế để trở thành một trong những trung tâm cà phê lớn nhất thế giới. |
![]() |
Cà phê trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, kết tinh lao động bền bỉ qua bao thế hệ, là sinh kế bền vững của hàng triệu nông dân, trụ cột xuất khẩu nông sản quốc gia, khẳng định vị thế của Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành cà phê Việt Nam hiện đang hướng tới phát triển bền vững, nâng cao, kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm. Năm 2024, lần đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt trên 5 tỷ USD, tiếp tục khẳng định vị thế là nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil. Trong đó, Đắk Lắk - “Thủ phủ cà phê của Việt Nam” đóng góp khoảng 18% kim ngạch xuất khẩu, thương hiệu. Đồng thời, chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” nổi tiếng đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Qua hành trình trăm năm, từ những hạt cà phê Robusta thơm ngon, bà con Đắk Lắk đã đúc kết những kinh nghiệm quý báu trong việc chọn giống, trồng trọt, thu hoạch và chế biến. Những phương pháp chế biến truyền thống như phơi khô tự nhiên, lên men ướt, rang xay theo công thức riêng đã tạo nên những hương vị cà phê đặc trưng, hội tụ tinh hoa đại ngàn. Đây chính là kho tàng tri thức dân gian quý giá, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần làm nên thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột – quê hương của hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới. Cùng với Đắk Lắk, tỉnh Gia Lai cũng đang trồng khoảng 99.000ha cà phê, trong đó có 46.000ha cà phê theo các tiêu chuẩn 4C, Organic, áp dụng công nghệ tưới tiêu cho cà phê. Diện tích cà phê toàn tỉnh Đắk Nông hiện nay có khoảng 141.000ha, chiếm 23% diện tích đất nông nghiệp; chiếm 59,6% tổng diện tích cây lâu năm của tỉnh. Lâm Đồng có nhiều lợi thế phát triển cà phê, với diện tích canh tác khoảng 173.000ha. Còn tổng diện tích canh tác cà phê tại Kon Tum năm 2024 tăng mạnh lên gần 30.000ha. |
Vùng nguyên liệu rộng lớn ấy luôn gắn bó với hàng vạn nông hộ, mà trong đó hơn 60% đồng bào các dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất cà phê trên địa bàn, giúp họ giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trong những năm tiếp theo, cà phê vẫn được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước. |
Ông Lương Văn Tự nhận định, hiện nay, xu hướng của thế giới là thế hệ trẻ thích uống cà phê hơn uống trà. Ngay như ở Việt Nam cũng có thể thấy, chưa có một thời gian nào mà lượng quán cà phê Việt Nam phát triển nhanh như hiện nay khi quán cà phê mọc lên ở khắp nơi. Thế hệ trẻ thế giới thích uống cà phê hơn uống trà, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ mỗi một năm đều tăng lên cao. Theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), nhu cầu cà phê tăng từ 2-4%/năm. Trong khi đó, tác động biến động thời tiết, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến cây cà phê. Cụ thể, vài năm gần đây, tình hình thời tiết nóng lên, hạn mặn khiên những vùng trước đây trồng được cà phê thì bây giờ không trồng được nữa. Tại Việt Nam, nhiều cây trồng khác có hiệu quả hơn như tiêu, bơ, sầu riêng… khiến nhiều nơi thu hẹp diện tích cà phê. Điều này khiến mật độ cây thì giảm, dẫn đến sản lượng cà phê ở Việt Nam giảm khoảng trên 10%. Trong bối cảnh đó, chủ trương chung của nước ta là không phát triển ồ ạt cây cà phê mà là phát triển cà phê hướng đến chất lượng. Theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển 19.000ha cà phê đặc sản, sản lượng khoảng 11.000 tấn. Đồng thời, ngành cà phê đang đẩy mạnh chế biến sâu với các sản phẩm như cà phê hòa tan cao cấp, cà phê viên nén, RTD (ready-to-drink)… nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu. |
![]() |
Mặt khác, xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, góp phần phát triển cà phê Việt Nam. Củng cố mặt hàng cà phê tiếp tục là 1 trong 5 sản phẩm xuất khẩu hàng đầu quốc gia và khẳng định vị trí quan trọng của cà phê Việt Nam trong ngành cà phê thế giới. Hiện thực hoá mục tiêu này, trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9, ngày 10/3/2025, Trung Nguyên Legend đã tổ chức Lễ động thổ nhà máy cà phê năng lượng lớn nhất Đông Nam Á tại Cụm công nghiệp Tân An 2, TP. Buôn Ma Thuột. Với tổng diện tích 50,000 m2, mật độ xây dựng công trình tối đa 60%, mật độ cây xanh, mặt nước trên 20%, Nhà máy cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend được thiết kế trở thành nhà máy cà phê năng lượng sinh thái- bền vững tiêu chuẩn Net Zero. Đồng thời, kết hợp kiến trúc được lấy cảm hứng từ 3 nền văn minh cà phê tiêu biểu của thế giới Ottoman – Roman – Thiền cùng các yếu tố văn hóa bản địa, toàn bộ nhà máy được bao bọc bởi cây xanh, hồ nước, vườn thảo dược, đá bazan và hệ thống năng lượng mặt trời hiện đại mang đến không gian trải nghiệm và làm việc thanh lành, tự nhiên và cân bằng. Đây được xem là nhà máy sản xuất cà phê lớn nhất Đông Nam Á, và là dự án trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk có vai trò đặc biệt trong việc định hình ngành cà phê Việt Nam khi tham gia vào chuỗi chế biến hết, chế biến sâu và chế biến tinh, tạo ra nguyên liệu giá trị cao từ cà phê đóng góp cho nhiều ngành công nghiệp khác. |
![]() |
Việc đầu tư xây dựng Nhà máy cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến cà phê, phân đoạn chế biến sâu, tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái cà phê đa dạng của Đắk Lắk, mà còn mở ra những cơ hội mới, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống cho người dân địa phương, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. |
Hiện nay, cà phê không chỉ là sản phẩm nông nghiệp chủ lực mà còn là biểu tượng văn hóa của người dân Tây Nguyên. Bà con Tây Nguyên mong muốn giới thiệu đến du khách, bạn bè quốc tế những giống cà phê đặc sản, quy trình sản xuất và các sản phẩm chế biến từ cà phê. Từ đó, cùng nhau tôn vinh và gìn giữ văn hóa cà phê của vùng đất Tây Nguyên. Hiện thực hoá mục tiêu này, từ những năm 2005, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa cà phê, mở đường cho sự hình thành và phát triển của 9 kỳ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột trong 20 năm qua. Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk liên tục tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị phát triển cà phê bền vững với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà văn hoá, chính khách lớn đến từ nhiều quốc gia để xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ cà phê thế giới. |
Năm 2012, tại diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum), Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã trình bày "7 sáng kiến chung cho ngành cà phê toàn cầu" nhằm hiện thức hóa xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ kinh tế, văn hóa cà phê có vị thế trên toàn cầu, góp phần đem về 20 tỉ USD/năm cho ngành cà phê Việt Nam. Năm 2022, thực hiện Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị, thành phố Buôn Ma Thuột đã triển khai đề án xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố Cà phê của thế giới. Được sự tham gia của đông đảo các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, sự đồng hành của các doanh nghiệp cà phê, nhà đầu tư…, chỉ sau 2 năm, thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk nói riêng, ngành cà phê Việt Nam nói chung đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Các công trình, điểm đến đặc biệt của Buôn Ma Thuột như Thành phố cà phê, Bảo tàng thế giới cà phê, Làng cà phê, cùng tour du lịch cà phê, các sản phẩm được sáng tạo nhằm nâng tầm cà phê trở thành văn hóa, nghệ thuật…. thu hút đông đảo du khách, người yêu cà phê trong nước và quốc tế đến trải nghiệm, góp phần đưa Buôn Ma Thuột trở thành "Điểm đến của cà phê thế giới". Bên cạnh đó, từ năm 2016, Chính phủ chọn ngày 10/12 hàng năm để làm Ngày Cà phê Việt Nam – đây là ngày Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu – Nghệ An (10/12/1961). Theo đó, cứ 2 năm một lần, sự kiện Ngày cà phê Việt Nam được Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức ở các tỉnh Tây Nguyên – Thủ phủ của cà phê Việt Nam. Đây là sự kiện quảng bá, tôn vinh hạt cà phê Tây Nguyên gắn với quảng bá du lịch Việt Nam. |
![]() |
Tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 tổ chức mới đây tại Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Cà phê Việt Nam không chỉ là thức uống mà là câu chuyện của thời gian, sự kết nối con người và khát vọng lan tỏa hòa bình. Mỗi tách cà phê là một lời cam kết gìn giữ di sản, tôn vinh thiên nhiên và thức tỉnh từng khoảnh khắc sống”. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục rà soát quy hoạch, xây dựng vùng trồng cà phê chất lượng cao, phát thải thấp; ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, hướng đến ngành cà phê Việt Nam thân thiện môi trường. Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê, cần chủ động đầu tư vào công nghệ truy xuất nguồn gốc, sử dụng blockchain và các hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thông minh để bảo đảm minh bạch, xây dựng hệ thống quản lý bền vững từ khâu sản xuất đến chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng. Về sản phẩm, cần khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm cà phê với hương vị đặc biệt, đặc thù được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế, các sản phẩm cà phê tinh chế như cà phê hòa tan, viên nén, để đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại. Ngoài ra, chú trọng quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam. Các Bộ Công Thương, Ngoại giao, ngành hàng không, du lịch chú trọng xúc tiến mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, giới thiệu sản phẩm cà phê Việt Nam tại các sự kiện ngoại giao, địa điểm du lịch nổi tiếng; đồng thời các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược quảng bá, tiếp thị định vị thương hiệu phù hợp với năng lực; mở rộng kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường tiềm năng, phát triển thương mại điện tử, đa dạng kênh tiêu thụ. “Cà phê không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp, một loại đồ uống, mà là khởi nguồn sáng tạo, đặc trưng văn hóa, là tương lai phát triển của vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Thương hiệu Cà phê Việt Nam cần được chú trọng xây dựng, phát triển, trở thành thương hiệu cấp quốc gia, tầm cỡ thế giới”, Phó Thủ tướng khẳng định. Từng là cây xoá đói giảm nghèo của bà con, đến nay, hạt cà phê trên đất đỏ bazan đã khẳng định vị thế cà phê Việt trên thế giới. Hạt cà phê Tây Nguyên không chỉ là sản phẩm mang lại giá trị cao cho bà con vùng dân tộc, mà còn góp phần đưa thương hiệu Việt Nam vươn xa trên thị trường thế giới. |
Phương Lan Đồ họa: Ngọc Lan Ảnh: TTXVN, VGP, Tập đoàn Trung Nguyên, Nescafe, Thanh Xuân... |