Nuôi heo nhà cao tầng: Bước đột phá công nghệ và hành trình xanh hóa ngành heo thịt Việt Nam
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) vừa công bố thông tin về việc triển khai tổ hợp trang trại chăn nuôi heo nhà cao tầng công nghệ cao tại Tây Ninh, sau khi nhận được chấp thuận chủ trương đầu tư từ UBND tỉnh Tây Ninh vào ngày 29/6. Đây sẽ là mô hình “nuôi heo trên cao” đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình đổi mới công nghệ chăn nuôi theo hướng hiện đại và bền vững.
Mô hình nuôi heo nhà cao tầng: Ảnh minh họa
Tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn tích hợp chuỗi sản xuất khép kín
Trước đó, BAF đã gửi văn bản đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường, phê duyệt hai dự án trang trại thông minh quy mô 64.000 heo nái sinh sản, công suất sản xuất 1,6 triệu heo thương phẩm mỗi năm tại Tân Châu (Tây Ninh). Tại Đồng Phú (Bình Phước cũ) có quy mô là 20.000 heo nái, sản lượng 500.000 heo thương phẩm/năm.
Theo kế hoạch, tổ hợp chăn nuôi của BAF tại Tây Ninh sẽ bao gồm 4 dự án lớn: Hai trang trại nuôi heo nhà cao tầng sử dụng công nghệ lọc khí – khử mùi (Tây Ninh 1 và 2); Một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc; Một nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm từ thịt heo.
BAF đặt mục năm 2025 đạt 75.000 heo nái và 800.000 heo thương phẩm. Đến năm 2030, mở rộng lên 450.000 heo nái và 10 triệu heo thương phẩm mỗi năm.
Sau khi được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền, BAF đã chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực để triển khai. Dự án đầu tiên dự kiến khởi công vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026. Sau 10 – 12 tháng thi công, trang trại đầu tiên có thể đi vào vận hành. Với tiến độ này, BAF sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam triển khai mô hình nuôi heo nhà cao tầng, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tăng năng suất, bảo vệ môi trường và tối ưu hóa vận hành.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng Giám đốc BAF, mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cho trại nuôi heo cao tầng cao hơn từ 45 – 50% so với mô hình truyền thống, nhưng lợi ích mang lại là vượt trội. Như đảm bảo an toàn sinh học trong bối cảnh các ổ dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các trang trại và đẩy giá heo hơi tăng vọt ở các tỉnh phía Nam. Mô hình này giúp tiết kiệm diện tích đất sử dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất từ 5 - 8 lần, đồng thời giảm đáng kể chi phí nhân công nhờ tự động hóa cao. Các hệ thống xử lý khí thải, chất thải cũng được tích hợp đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường cao nhất.
Để hiện thực hóa tham vọng, BAF đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Muyuan (Trung Quốc) – một trong những nhà sản xuất và chế biến thịt heo lớn nhất thế giới, nổi bật với mô hình chăn nuôi cao tầng, khép kín và ứng dụng công nghệ tự động, kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt.
Lễ ký kết hợp tác đã diễn ra vào ngày 16/9/2024. Thỏa thuận hướng đến chuyển giao công nghệ chuồng trại hiện đại, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào vận hành, nhằm đảm bảo an toàn sinh học, giảm thiểu tác động môi trường và tăng hiệu quả sản xuất.
Lễ ký kết hợp tác giữa BAF và Muyuan
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam, chia sẻ: “Việc ký kết hợp tác với Muyuan là kết quả của một quá trình làm việc nghiêm túc và dài hạn giữa hai bên, đồng thời cũng mở ra một chặng đường mới cho tương lai. Chúng tôi kỳ vọng sự hợp tác này sẽ không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao công nghệ chuồng trại, an toàn sinh học hay giải pháp môi trường, mà sẽ tiếp tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác để cùng thúc đẩy sự phát triển hiện đại, đổi mới của ngành chăn nuôi”.
Công nghệ tiên tiến - Hướng đến chăn nuôi bền vững
Trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi, vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, mô hình nuôi heo cao tầng khép kín không chỉ giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, mà còn tăng khả năng bảo vệ đàn vật nuôi và ổn định nguồn cung thịt heo – mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân.
Theo ông Bá, hiện tỷ lệ hao hụt do dịch tả heo châu Phi tại các trang trại phổ biến ở mức 30–35%. Tuy nhiên, tại BAF, nhờ áp dụng quy trình quản lý chuồng trại bài bản và đầu tư mạnh vào công nghệ chăn nuôi an toàn sinh học, tỷ lệ hao hụt đã được kiểm soát dưới 10% và công ty đặt mục tiêu đưa con số này xuống dưới 5% trong năm 2025.
Để đạt được mục tiêu đó, BAF đã chú trọng đầu tư vào 3 trụ cột: Công nghệ quản lý, hệ thống an toàn sinh học và chính sách đãi ngộ nhân sự. Trong bối cảnh dịch bệnh, công ty triển khai cơ chế thưởng: Nếu trại nào kéo giảm được tỷ lệ hao hụt dưới 10% so với trung bình, phần chênh lệch đó sẽ được trích làm thưởng để khuyến khích và tạo động lực chăm sóc đàn heo tốt hơn.
Bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh, BAF cũng đặc biệt quan tâm đến môi trường sống và làm việc trong các trang trại.
“Nếu nước thải chuồng trại không được xử lý triệt để, nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các trại sẽ rất cao, dẫn đến toàn bộ hệ thống bị ảnh hưởng. Vì vậy, chúng tôi đã đầu tư mạnh vào hệ thống xử lý nước thải và lọc khí khử mùi. Làm tốt những điều này không chỉ giúp bảo vệ đàn vật nuôi mà còn đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên không bị ảnh hưởng bởi mùi hôi, tạo cảm giác làm việc như ở chính ngôi nhà của mình. Khi người lao động cảm thấy thoải mái, họ sẽ sẵn sàng gắn bó và cống hiến”.
Chủ tịch HĐQT BAF khẳng định: “Chúng tôi tự hào là một trong những đơn vị kiểm soát dịch bệnh tốt nhất thị trường với tỷ lệ hao hụt dưới 10%. Và mục tiêu sắp tới là giảm xuống dưới 5%, phù hợp với tiêu chuẩn chăn nuôi tiên tiến toàn cầu”.
Với mục tiêu phát triển năm 2030 đạt quy mô xuất chuồng 10 triệu heo, mô hình nuôi heo nhà cao tầng do BAF khởi xướng không chỉ là lời giải cho bài toán quỹ đất hạn hẹp mà còn đặt nền móng cho nền chăn nuôi hiện đại, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường, góp phần đưa ngành chăn nuôi Việt Nam tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.