Sơn La đưa nông sản vươn xa: Từ vùng cao đến thị trường quốc tế
Sơn La đẩy mạnh xuất khẩu nông sản bằng chiến lược chủ động vùng trồng, chế biến sâu và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm.
Chủ động từ gốc, tạo đà cho nông sản bứt phá
Trong những năm gần đây, xuất khẩu nông sản đã trở thành một trong những trụ cột chiến lược của tỉnh Sơn La. Tỉnh xác định rõ: muốn ra được thị trường thế giới, không thể làm theo kiểu “ăn xổi”, mà phải đi từ gốc, tức là từ quy hoạch sản xuất, tổ chức vùng trồng, nâng cấp chất lượng đến xây dựng hệ thống quản lý truy xuất minh bạch.
Theo Sở Công Thương Sơn La, kế hoạch năm 2025, Sơn La phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu nông sản 35,2 triệu USD. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã sớm thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; tổ chức các phiên họp định kỳ nhằm theo sát tình hình mùa vụ, sản lượng, cửa khẩu và thị trường tiêu thụ.
Sản phẩm cây sơn tra - Sơn La (Ảnh: Internet)
Hiện nay, Sơn La đã quy hoạch trên 85.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra, với sản lượng dự kiến năm 2025 đạt hơn 510.000 tấn. Trong đó, nhiều vùng trồng đã được cấp mã số đạt chuẩn xuất khẩu. Tính đến hết quý I/2025, toàn tỉnh có 218 mã số vùng trồng với diện tích hơn 3.100 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Mộc Châu, Sông Mã, Mai Sơn và Yên Châu. Đây là những “hộ chiếu nông sản” không thể thiếu nếu muốn chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới, nơi kết nối giữa người nông dân và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Các HTX không chỉ giúp điều phối vùng nguyên liệu ổn định mà còn tham gia trực tiếp vào quy trình sơ chế, bảo quản, truy xuất nguồn gốc.
Song song với đó, một trong những điểm nghẽn lớn nhất của nông sản xuất khẩu từ trước tới nay là tình trạng bán sản phẩm tươi, thô, giá trị gia tăng thấp, dễ bị ép giá khi gặp biến động thị trường. Sơn La đang từng bước giải quyết bài toán này thông qua đẩy mạnh chế biến sâu.
Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La - một trong những nhà máy hiện đại hàng đầu khu vực miền núi phía Bắc. (Ảnh: ST)
Trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã thu hút 11 dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, trong đó có 3 dự án mới triển khai riêng trong năm 2024 với tổng vốn trên 630 tỷ đồng. Tiêu biểu là Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La - một trong những nhà máy hiện đại hàng đầu khu vực miền núi phía Bắc. Với dây chuyền đóng hộp hiện đại từ Tetra Pak (Thụy Điển), Doveco không chỉ chế biến các mặt hàng xoài, nhãn, chanh leo… mà còn đưa sản phẩm tới hơn 20 quốc gia.
Đáng chú ý, nhà máy này đã ký hợp đồng bao tiêu với nhiều HTX địa phương, cam kết thu mua lên tới 80.000 tấn nguyên liệu mỗi năm. Việc liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân không chỉ đảm bảo đầu ra bền vững mà còn giúp nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”.
Toàn tỉnh hiện có 17 nhà máy chế biến quy mô lớn, hơn 500 cơ sở sơ chế, đóng gói đạt tiêu chuẩn. Các sản phẩm không chỉ dừng lại ở trái cây sấy, nước ép, long nhãn… mà đang được nâng cấp về bao bì, mẫu mã và truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường quốc tế.
Kết nối thị trường, khai phá tiềm năng toàn cầu
Không chỉ đầu tư cho sản xuất, Sơn La đặc biệt coi trọng hoạt động xúc tiến thương mại - mắt xích then chốt để nông sản “ra biển lớn”. Tỉnh đã chủ động tổ chức hàng chục đoàn xúc tiến trong và ngoài nước, tham gia các hội chợ chuyên ngành nông sản quốc tế, kết nối với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các đô thị lớn.
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng cả nước. (Ảnh: DDCI Sơn La)
Đặc biệt, tỉnh đã tiên phong triển khai các sự kiện “Tuần lễ nông sản Sơn La” tại Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh… để quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng cả nước. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh như xoài tròn Yên Châu, mận hậu Mộc Châu, nhãn Sông Mã, chanh leo Mai Sơn… đã tìm được đối tác xuất khẩu dài hạn nhờ các sự kiện kết nối trực tiếp này.
Không đứng ngoài làn sóng chuyển đổi số, Sơn La đã triển khai nhiều lớp tập huấn livestream, bán hàng trên các nền tảng như TikTok, Facebook, Zalo, YouTube… Nhiều HTX, hộ sản xuất đã bước đầu thành công khi kết hợp bán hàng online với xuất khẩu chính ngạch, mở rộng thêm nhiều kênh tiêu thụ nông sản ngoài biên giới.
Hiện nông sản Sơn La đã có mặt tại hơn 20 thị trường trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, UAE… Riêng thị trường Trung Quốc, tỉnh đã có 12 mặt hàng xuất khẩu chính ngạch, với sản lượng mỗi năm tăng trung bình từ 15–20%.
Một trong những nền tảng quan trọng để xuất khẩu bền vững là hệ thống logistics và hạ tầng chế biến. Sơn La đã nhận ra điều này và đang từng bước đầu tư đồng bộ.
Tỉnh ưu tiên xây dựng các trung tâm sơ chế, kho lạnh, điểm tập kết nông sản đạt chuẩn. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh bạn và Bộ Công Thương để kết nối thông tin về lịch trình thông quan, hỗ trợ doanh nghiệp và HTX chủ động sắp xếp lô hàng.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản trước khi xuất khẩu. Đồng thời, tỉnh cũng đang hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, giúp đảm bảo tính minh bạch và nâng cao uy tín nông sản Sơn La trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thêm vào hệ thống vận tải lạnh, các tuyến logistics kết nối với các cảng biển và sân bay quốc tế, nhằm rút ngắn thời gian giao hàng, giảm chi phí vận chuyển - một trong những yếu tố then chốt để cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản.
Dù còn nhiều thách thức về hạ tầng, vốn, nhân lực và thị trường, nhưng Sơn La đang có trong tay những nền tảng quan trọng để tiếp tục chặng đường đưa nông sản vươn xa. Những bài học từ thành công trong xuất khẩu xoài, nhãn, chanh leo, mận hậu… sẽ là bệ phóng cho các mặt hàng mới như cà phê, chuối, bơ, dứa, chè chất lượng cao.
Hành trình chinh phục thị trường thế giới của nông sản Sơn La không phải là chuyện một sớm một chiều, mà là cả quá trình kiên định đi từ sản xuất sạch đến chế biến sâu, từ xúc tiến thông minh đến xây dựng thương hiệu bài bản. Đây cũng chính là mô hình điển hình mà nhiều tỉnh trung du, miền núi phía Bắc có thể tham khảo để phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xuất khẩu.