Tân Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) là ai?
Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố tân Chủ tịch là ông Dominik Meichle, Giám đốc điều hành của Bosch Việt Nam.
Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa có thông báo về việc thay đổi nhân sự cao cấp.
Theo đó, ông Dominik Meichle kế nhiệm vị trí của ông Gabor Fluit, người vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Tập đoàn Dinh dưỡng Động vật De Heus. Trước đó, năm 2022, ông Dominik Meichle trở thành Giám đốc điều hành trẻ nhất của Bosch Việt Nam.
Chia sẻ khi nhậm chức, ông Dominik Meichle, tân Chủ tịch EuroCham cho biết: “Những cuộc đối thoại với các bên liên quan của Việt Nam và châu Âu sẽ giúp chúng tôi khám phá các cơ hội hợp tác hiệu quả và tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam. Những thách thức vẫn còn ở phía trước, nhưng tôi rất hào hứng với những cơ hội mà năm nay mang lại.”
Ông Dominik Meichle, Tân Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). |
Tính đến thời điểm hiện tại, Hội đồng quản trị của EuroCham năm 2024 gồm 17 thành viên, quy tụ các lãnh đạo doanh nghiệp từ các lĩnh vực lớn trên khắp Việt Nam. Đây là sự kết hợp vừa mang tính tiếp nối vừa có sự mới mẻ nhằm thúc đẩy mảng vận động chính sách của Hiệp hội vì một môi trường đầu tư hàng đầu, mang lại lợi ích cho các công ty châu Âu và các địa phương tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, EuroCham đang thiết lập chương trình cho năm 2024, tập trung vào việc tăng cường vận động chính sách và mở rộng các sáng kiến về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG).
Dự kiến, trong năm 2024 đơn vị này sẽ tổ chức khoảng 90 cuộc họp với cơ quan chức năng của Việt Nam và gửi 200 lá thư dựa trên những thông tin chi tiết từ Sách Trắng hàng năm. EuroCham đang chủ động nâng cao nỗ lực vận động chính sách của mình trong năm 2024.
Điều này bao gồm việc mở rộng sự hiện diện của Hiệp hội tại các tỉnh, thành của Việt Nam để tăng cường sự tham gia của các thành viên và xác định các cơ hội kinh doanh mới. Một phần quan trọng của chiến lược này là việc mở rộng Hiệp hội tại miền Trung Việt Nam, trụ sở tại Đà Nẵng, được khởi động lại vào năm 2023. Qua đó, nhằm tăng cường mạng lưới hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho các thành viên ở khu vực trọng điểm này.
Ngoài việc vận động chính sách, EuroCham đang dành sự tập trung cho các nguyên tắc và tính bền vững của ESG. Điều này bao gồm các sáng kiến quan trọng được thiết kế nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về các quy định quan trọng của EU. Ví dụ như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Chỉ thị thẩm định về tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD). Một nhóm công tác chuyên môn của EuroCham sẽ dẫn dắt các sáng kiến này, thúc đẩy sự hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp và dẫn đầu các nỗ lực xây dựng năng lực cho cả thành viên EuroCham và các công ty Việt Nam.
Trong năm 2024, điểm nổi bật trong cam kết bền vững của EuroCham là việc tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2024 diễn ra từ ngày 21 đến 23/10 tại TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện hàng đầu này sẽ quy tụ các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và nhà đổi mới từ khắp Việt Nam, châu Âu và Đông Nam Á tham gia hàng chục phiên hội nghị, triển lãm giới thiệu các giải pháp bền vững tiên tiến và hội nghị toàn thể cấp cao với các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam và châu Âu.