VDSC chỉ ra yếu tố cốt lõi để các hãng bay tăng trưởng doanh thu, cải thiện dòng tiền
Ngày 5/9, CTCK Rồng Việt (VDSC) có báo cáo cập nhật hoạt động của các hãng hàng không. Theo đó, nhóm phân tích nhận định hãng bay đang “chờ đợi 1 cơn gió thuận”. VDSC cho rằng việc tối ưu hóa hoạt động đội bay với việc tăng cường mở rộng đường bay quốc tế có thể giúp bức tranh lợi nhuận của các hãng dần khởi sắc hơn trong nửa cuối năm nay.
VDSC: Thị trường quốc tế là điểm sáng của các hãng hàng không Việt Nam
Trong 6 tháng đầu năm qua, sản lượng hành khách hàng không nội địa giảm tốc nhưng quốc tế đang bứt phá nhanh. Cụ thể, sản lượng vận tải hành khách trên các chuyến bay nội địa và quốc tế của các hàng hàng không Việt Nam lần lượt giảm 0,2% và tăng 595% so với cùng kỳ (svck) trong nửa đầu năm 2023.
Trong đó, sản lượng hành khách của nhóm Vietnam Airlines (HVN) tăng 21% svck, giảm 3% nội địa và tăng mạnh 431% quốc tế. Sản lượng hành khách của Vietjet (VJC) tăng 33% cùng kỳ, cũng giảm 3% ở mảng nội địa như Vietnam Airlines nhưng tăng mạnh hơn ở mảng quốc tế với 918%.
Về số chuyến bay, việc thị trường hàng không vẫn trong quá trình dần bình thường hóa sau đại dịch và người dân thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay đã khiến nhu cầu du lịch yếu hơn so với năm trước và là một yếu tố khiến tổng số chuyến bay giảm trong mua cao điểm năm nay bất chấp việc thị trường quốc tế đang phục hồi nhanh.
Theo Outbox Consulting, ngân sách du lịch của phần đông du khách Việt nằm trong khoảng từ 1 đến 5 triệu đồng/người trong khi tỷ lệ khách chi trên 10 triệu đồng/người ở quý II chiếm khoảng 30%, đã giảm 5,4% so với quý I khi tình hình kinh tế khó khăn hơn, thu nhập bình quân tháng của người lao động giảm so với quý I và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý II tăng so với quý I.
Trên thực tế, thị phần nội địa của các hãng hàng không giá rẻ ít bị ảnh hưởng hơn so với các hãng hàng không khác. Theo đó, thị phần của Pacific Airlines và Bamboo Airways tăng nhẹ 2%, Vietravel Airlines không đổi còn Vietjet thay giảm nhẹ 1% svck, riêng thị phần của Vietnam Airlines giảm 3%.
Mặc dù vậy, VDSC đánh giá thị trường quốc tế vẫn là điểm sáng của các hãng hàng không Việt Nam với sản lượng vận tải tăng gấp 5,2 lần cùng kỳ, đạt 8,4 triệu hành khách, và thị phần tăng thêm 6% svck trong 7 tháng đầu năm 2023.
Nhờ thị trường quốc tế tăng tốc, doanh thu cốt lõi của HVN và VJC đã có sự tăng trưởng đáng kể. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải và phụ trợ nửa đầu năm của HVN tăng 57% svck và bằng 86% cùng kỳ năm 2019. Đối với VJC, hai khoản doanh thu này tăng gần gấp đôi cùng kỳ, thậm chí cao hơn 20% mức trước dịch khi hãng này chủ trọng phát triển thị trường quốc tế hơn trong năm nay.
Tuy tình hình tài chính đã cải thiện đáng kể nhờ sản lượng phục hồi nhanh chóng, nhưng về cơ bản, VDSC nhận thấy các hãng hàng không vẫn chưa thể có lãi từ hoạt động cốt lõi tính đến hết nửa đầu năm.
Theo đó, nhóm phân tích nghiên cứu 2 yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hàng không của 2 hãng bay lớn HVN và VJC là biên lãi gộp và chi phí tài chính. Cụ thể, biên lãi gộp tuy phục đáng kể nhưng vẫn còn mỏng. Giá nhiên liệu bay hiện tại đang cao hơn khoảng 30% mặt bằng của năm 2019 (khoảng 75 USD/thùng) khiến chi phí hoạt động vẫn duy trì ở mức cao và là nguyên nhân chính bào mòn biên lợi nhuận.
Mặt khác, các hãng hàng không cũng không thể chuyển toàn bộ mức biến động của chi phí nhiên liệu vào giá vé khi áp lực cạnh tranh cao hơn, chưa kể đến tác động từ việc ngân sách du lịch thắt chặt hơn của các du khách. Kể từ năm 2019, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và VJC liên tục nhận nhận thêm các tàu bay về để củng cố thị phần.
Tiếp theo, chi phí tài chính cũng là một gánh nặng không nhỏ với các hãng hàng không khi vừa phải chịu áp lực lỗ tỷ giá (với các khoản nợ bằng USD) kể từ quý III/2022, tại thời điểm đồng USD tăng giá mạnh bởi chính sách tiền tệ thắt chặt của FED, và xu hướng tăng của lãi vay.
Mặc dù bức tranh lợi nhuận chưa thể thực sự khởi sắc trong thời gian cao điểm Q2/23 vừa qua, VDSC chung nhận định việc số lỗ đã giảm đi đáng kể cũng là những tín hiệu rất khích lệ của các doanh nghiệp vận tải hàng không.
Trong thời gian tới, nhóm phân tích cho rằng các yếu tố để các hãng có được lợi nhuận cốt lõi một cách ổn định hơn là sự hồi phục tiếp diễn của thị trường quốc tế sẽ giúp các hãng tiếp tục tối ưu hóa được hoạt động đội bay và tăng trưởng được doanh thu cũng như cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Cùng đó là giá nhiên liệu bay giảm và duy trì ổn định ở mức dưới 100 USD/thùng.