Cải thiện hiệu quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài
Những ưu đãi thuế và đầu tư công được Chính phủ ban hành thời gian qua rất kịp thời để kích thích tiêu dùng tư nhân và tổng cầu. Đồng thời, những hoạt động cải cách quản lý tài chính công do Bộ Tài chính chủ trì đã và đang tăng cường cho hệ thống quản lý tài chính công và hệ thống này đã chứng tỏ khả năng chống chịu trong suốt khủng hoảng vừa qua nhưng vẫn cần nâng cao hiệu quả hơn nữa.
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Quan điểm trên được bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Nhóm đối tác tài chính công do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức cuối tuần qua.
Chia sẻ một số thông tin về thực hiện chính sách tài khóa và định hướng hợp tác tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong công tác phòng chống dịch đồng thời phát triển kinh tế với chủ trương thích ứng phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Kết quả kinh tế năm 2021 đã đạt được khá tích cực với tăng trưởng GDP là 2,58%, lạm phát là 1,84%, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong năm 2021, cũng như thời gian trước đây, Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam đã phối hợp với các nhà tài trợ trong việc đàm phán, ký kết, triển khải các chương trình, dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Riêng trong năm 2021 đã có 12 hiệp định, thỏa thuận với tổng số vốn cam kết khoảng 1 tỷ USD, bên cạnh đó còn 11 khoản vay đang tiếp tục hoàn thiện để ký kết.
Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong một số năm gần đây (2020-2021) đạt thấp do một số nguyên nhân như: Công tác chuẩn bị, triển khai dự án của các bộ, ngành, địa phương còn chậm; thủ tục giải ngân vốn còn phức tạp; các công việc phải lấy ý kiến không phản đối của nhà tài trợ. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của COVID-19 nên các chuyên gia không sang được Việt Nam, việc nhập thiết bị cho dự án có khó khăn.
Đối với những khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải ngân, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với nhà tài trợ để tháo gỡ; đồng thời Bộ Tài chính đề nghị nhà tài trợ xem xét hài hòa thủ tục để tiếp cận với thủ tục trong nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đi đôi với bảo đảm chặt chẽ.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết thêm, Bộ Tài chính sẽ nỗ lực phối hợp cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện quy trình, thủ tục; trong đó có thủ tục quản lý thu thuế, hải quan, chi ngân sách, kho bạc,… với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, kỹ thuật số, chú trọng kết quả đầu ra, nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình; nâng cao năng lực cán bộ, đặc biệt là cán bộ hoạch định chính sách, quản lý giám sát, xây dựng vị trí việc làm đối với các chức danh ngành tài chính...
“Với chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế đòi hỏi phải có nguồn lực lớn, Bộ Tài chính sẽ xây dựng phương án huy động vốn để thực hiện chương trình, trao đổi cụ thể hơn với các nhà tài trợ trong thời gian tới trên cơ sở cân đối kinh tế vĩ mô, quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ trong phạm vi chỉ số an toàn mà Quốc hội cho phép”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà chia sẻ.
Đại diện các đối tác, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài chính nhằm cải thiện hiệu quả đối thoại chính sách và phối hợp với cộng đồng đối tác phát triển. Những ưu đãi thuế và đầu tư công được Chính phủ ban hành thời gian qua rất kịp thời để kích thích tiêu dùng tư nhân và tổng cầu. Đồng thời, những hoạt động cải cách quản lý tài chính công do Bộ Tài chính chủ trì đã và đang tăng cường cho hệ thống quản lý tài chính công và hệ thống này đã chứng tỏ khả năng chống chịu trong suốt khủng hoảng vừa qua, nhưng vẫn cần nâng cao hiệu quả hơn nữa.
Theo bà Carolyn Turk, những ưu tiên cải cách quản lý tài chính công trong Chiến lược phát triển ngành tài chính sẽ giúp hiện đại hóa quản lý tài chính công và nâng cao hiệu quả. “Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục quan hệ hợp tác chặt chẽ của chúng ta nhằm hỗ trợ cho những cải cách quản lý tài chính công thế hệ mới để hỗ trợ Việt Nam phục hồi xanh, bao trùm và có khả năng chống chịu qua đại dịch cũng như trong triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của quốc gia", bà Carolyn Turk khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đối tác tài chính công, đồng thời tiếp tục nghiên cứu để kịp thời đưa ra những tham mưu chính sách với Chính phủ và thực hiện hiệu quả công tác điều hành chính sách tài khóa trong thời gian tới
Bộ trưởng cho biết, trong nhiều năm qua, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển và các nhà tài trợ đã đóng góp tích cực và thiết thực vào các đột phá chiến lược của ngành tài chính như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tài chính, nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ các nguồn lực tài chính công, đổi mới các quy trình nghiệp vụ trong lĩnh vực tài chính; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành tài chính và tăng cường năng lực cán bộ ngành tài chính.
“Trong thời gian tới, cải cách tài chính công, đặc biệt là cải cách thể chế tài chính, hiện đại hóa ngành tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống an sinh xã hội và thực hiện hiệu quả các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế số, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bao trùm và bền vững”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.