A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần Thơ hướng tới xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

TP. Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch thực hiện “Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030”.

Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã ký ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 8/8 về thực hiện “Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030”.

Kế hoạch nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn TP. Cần Thơ. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và tiến tới xuất khẩu.

Cần Thơ hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi
Cần Thơ hướng tới mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi (Ảnh minh hoạ).

Cụ thể, đẩy mạnh phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, từng bước nâng cấp cơ sở lên quy mô bán công nghiệp và công nghiệp, đầu tư các trang thiết bị đồng bộ, công nghệ hiện đại tiên tiến gắn với vùng sản xuất chăn nuôi tập trung. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung áp dụng theo phương thức giết mổ bán công nghiệp là 60%, công nghiệp là 20%, và đến năm 2030 tỷ lệ tương ứng là 80% giết mổ bán công nghiệp và 40% giết mổ công nghiệp.

Đồng thời, phát triển một số cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô, công nghệ và quản lý ngang tầm khu vực và thế giới. Mục tiêu đạt tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt tương ứng từ 15% đến 25% vào năm 2025 và từ 30% đến 40% vào năm 2030.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, TP. Cần Thơ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể trên từng lĩnh vực.

Trong việc nâng cao chất lượng giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến, tập trung rà soát, phân loại tổng thể các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, tăng cường các hoạt động quản lý nhằm bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và an toàn chất lượng sản phẩm theo quy định; Cải thiện và mở rộng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn liền với các vùng chăn nuôi lớn. Đồng thời, tăng cường kiểm soát thú y, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chuyển đổi mô hình chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và thu hút đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chăn nuôi.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào phát triển chăn nuôi công nghiệp, hiện đại tại Cần Thơ. Cũng như nâng cao nhận thức, hiếu biết của cộng đồng về sản phẩm chăn nuôi an toàn, có thương hiệu và truy xuất nguồn gốc,..

Cần Thơ cũng đề ra nhiều giải pháp để phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến các sản phẩm chăn nuôi; Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết dọc và tăng cường kiểm soát chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Trong đó, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô lớn với thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ, công nghệ tiên tiến, gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, đảm bảo an toàn dịch bệnh và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Đối với việc phát triển thị trường xuất khẩu, Cần Thơ hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu đối với sản phẩm chăn nuôi là thế mạnh, chủ lực và đặc trưng của địa phương. Phối hợp giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN và các thị trường tiềm năng khác.

Đồng thời, phối hợp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng đến các nhà phân phối, hệ thống siêu thị, và người tiêu dùng; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chăn nuôi đặc sản của cả nước nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng.

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố liên quan, UBND quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; lồng ghép nhiệm vụ và giải pháp thực hiện của Kế hoạch với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan và tuyên truyền đến toàn thể người dân được biết và phối hợp thực hiện nhằm đảm bảo đạt các mục tiêu của Kế hoạch.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan