A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ khí chế tạo Việt Nam sẵn sàng cho sản xuất xanh

Công nghiệp năng lượng tái tạo và điện khí là một trong những lĩnh vực để Việt Nam đang chú trọng phát triển nhằm đạt tăng trưởng xanh trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là mảng cơ khí, chế tạo.

Cơ khí chế tạo Việt Nam sẵn sàng cho sản xuất xanh

Ngành cơ khí, chế tạo đang có nhiều cơ hội tham gia vào các dự án điện khí và năng lượng tái tạo. Ảnh Thanh Lộc

Mới đây, ngày 10.12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Cơ khí, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo "Cơ chế chính sách, định hướng và giải pháp phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và điện khí". Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí - cho biết, trong bối cảnh hiện nay khi nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt và Thủ tướng Chính phủ cam kết đạt mức “phát thải ròng bằng 0" (Net Zero) vào năm 2050, nguồn năng lượng tái tạo và điện khí đang trở thành một trong những vấn đề rất được quan tâm tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

Tiến sĩ Vũ Văn Khoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí - cho rằng, trong bối cảnh việc sản xuất điện năng từ nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày một hạn chế, việc sản xuất điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo là rất cần thiết và tất yếu.

"Nhà nước cần tiếp tục hoạch định các cơ chế nội địa hóa tốt cho doanh nghiệp trong nước, làm chủ lĩnh vực này ở thị trường trong nước. Từ đó, vươn ra khu vực và chuỗi toàn cầu" - ông Khoa nhấn mạnh.

Ông Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch Công ty Cơ khí Hà Nội - cho rằng, nhu cầu phát triển trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo khu vực ven biển, hải đảo Việt Nam là rất lớn, cần thiết, đảm bảo đúng định hướng công ước quốc tế về giảm dần, loại bỏ các công nghệ có tính phát thải khí nhà kính lớn. Đồng thời, đòi hỏi một nhu cầu cũng rất lớn về ngành chế tạo thiết bị phục vụ phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề nội địa hóa thiết bị trong ngành năng lượng tái tạo vẫn còn hạn chế, một số thiết bị quan trọng (tuabin - máy phát; cánh quạt…), chúng ta vẫn phải nhập khẩu 100%. Các thiết bị hoặc dịch vụ còn lại tùy mức độ chúng ta có mức độ nội địa hóa khác nhau và chúng ta mới nội địa hóa tỉ lệ 100% cho các thiết bị/dịch vụ đơn giản như phần kết cấu, xây dựng, lắp đặt.

"Như vậy, tiềm năng về nhu cầu phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo cho các khu vực ven biển, hải đảo Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất lớn" - ông Đỗ Hoài Nam nhận định.

PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng - Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, để đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu của Quy hoạch điện 8 và hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), đặc biệt là mục tiêu đạt mức “phát thải ròng bằng 0" (Net Zero) vào 2050, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước các thiết bị nhà máy điện gió là cần thiết. Qua đó, tạo cơ sở khoa học cho các cơ quan quản lý nhà nước ban hành cơ chế chính sách để phát triển ngành cơ khí chế tạo phục vụ ngành công nghiệp năng lượng trong nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật