A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết hợp phương thức thương mại điện tử trong kinh doanh dược

Hiện nay, việc mua bán theo phương thức thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Theo đó, việc mua bán online dược phẩm cũng tăng theo.

Kết hợp phương thức thương mại điện tử trong kinh doanh dược

Kết hợp phương thức thương mại điện tử trong kinh doanh dược. Đồ họa: Hương Giang

Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu quản lý, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, đề xuất đưa nội dung này vào Luật sửa đổi một số điều của Luật Dược và đã được Quốc hội thông qua tại phiên họp ngày 21.11.2024 vừa qua.

Do thuốc là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người bệnh, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất thận trọng khi đề xuất các quy định về thương mại điện tử trong kinh doanh dược tại lần ban hành Luật này. Để kiểm soát chặt chẽ, các công cụ quản lý sẽ được triển khai đồng bộ, bao gồm cả tiền kiểm và hậu kiểm.

Luật đã quy định một cơ sở muốn thực hiện thương mại điện tử phải được đánh giá cụ thể điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, hồ sơ tài liệu và phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Nghĩa là, đây phải là một cơ sở kinh doanh hiện hữu, đã được cấp phép kinh doanh theo phương thức truyền thống. Bán hàng trực tuyến chỉ là một hoạt động được thực hiện song song với bán hàng truyền thống.

Do đó, dù kinh doanh theo phương thức truyền thống hay kinh doanh trực tuyến, cơ sở vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung.

Ngoài ra, dự thảo quy định trừ trường hợp cách ly do dịch bệnh nhóm A, cơ sở kinh doanh dược chỉ được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc không kê đơn mà không phải là thuốc phải kiểm soát đặc biệt hay thuốc hạn chế bán lẻ; thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc không thuộc nhóm các thuốc phải kiểm soát đặc biệt; riêng trong trường hợp đặc biệt, khi có dịch bệnh nhóm A (tương tự như COVID-19 vừa qua) được công bố, cơ sở được bán lẻ thuốc kê đơn theo quy định của Bộ Y tế; Nghiêm cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử thông qua các phương tiện không phải là sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược là phải cung cấp thông tin cho khách hàng về thuốc và tư vấn sử dụng thuốc.

Tại dự thảo đã có quy định cơ sở khi kinh doanh theo thương mại điện tử có trách nhiệm:

+ Đăng tải thông tin về Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của cơ sở, Giấy đăng ký lưu hành của thuốc, các thông tin được phê duyệt về thuốc;

+ Phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn trực tuyến cách sử dụng thuốc theo đúng quy định của pháp luật cho người mua thuốc và tổ chức thực hiện việc thuốc đến người mua theo quy định.

Dự kiến, khi Luật Dược sửa đổi được ban hành, các Thông tư hướng dẫn thực hành tốt bán lẻ thuốc sẽ được điều chỉnh và sửa đổi theo và có các yêu cầu cụ thể đối với hoạt động của cơ sở kinh doanh thuốc theo hình thức thương mại điện tử, bao gồm cả cách thức tiến hành, tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc, trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn đối với việc bán thuốc trên môi trường điện tử cho phù hợp với đặc thù của hình thức kinh doanh này (ví dụ như việc kiểm soát, phê duyệt cấp phát thuốc của cơ sở bán lẻ; việc tư vấn và ghi lại nội dung thông tin tư vấn sử dụng thuốc trước khi thuốc được giao cho khách hàng v.v..), quy định nhận đơn hàng trực tuyến nhưng trước khi thực hiện việc bán phải có liên hệ trực tuyến hoặc bằng điện thoại để xác định có thuộc trường hợp được bán thuốc không, tư vấn sử dụng trước khi bán thuốc cho người mua,…

Cơ sở phải thông báo tới cơ quan có thẩm quyền trước khi kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử.

Song song với các quy định nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử, Cục Quản lý Dược cũng đang rà soát để đề xuất bổ sung các hành vi và biện pháp xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thương mại điện tử trong kinh doanh dược. Giai đoạn đầu triển khai Luật, chắc chắn các hoạt động thương mại điện tử sẽ được ưu tiên kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo các quy định được thực hiện đúng, đầy đủ, giúp người dân sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

Việc pháp quy hóa hoạt động thương mại điện tử trong kinh doanh dược cung cấp nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ hoặc các công ty bán buôn vì không chỉ để có thêm một kênh bán hàng mà còn mở ra thị trường mới, quảng bá sản phẩm, tăng cường khả năng nhận diện thương hiệu và mở rộng khả năng kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận thông tin và mua thuốc dễ dàng hơn.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật