A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực

Kế hoạch nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác để triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định này.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 01/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP).

Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai phổ biến, tuyên truyền về Hiệp định RCEP và các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để thực hiện Hiệp định cho các đối tượng liên quan, nhất là các đối tượng có thể chịu tác động như: cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương, các thành phần lao động khác thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, các ấn phẩm, tài liệu, các chương trình phát thanh và truyền hình, các lớp tập huấn, hội thảo, đối thoại nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực hiện hiệu quả Hiệp định.

Thiết lập đầu mối thông tin về Hiệp định RCEP tại Bộ Công Thương để cung cấp thông tin, hướng dẫn, làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề liên quan đến Hiệp định.

Củng cố mạng lưới, tăng cường năng lực và đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất, nhập khẩu, thị trường trong nước của các cơ quan Nhà nước có chức năng cung cấp thông tin về thương mại-đầu tư để các doanh nghiệp Việt Nam có thể kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước tham gia Hiệp định, từ đó tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạch định và triển khai chiến lược kinh doanh trong nước và đầu tư ra nước ngoài.

Các bộ ngành, địa phương xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ nông dân phù hợp với các cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, chính sách hỗ trợ cho những ngành hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực hiện Hiệp định.

Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi số hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại-đầu tư tại các nước tham gia Hiệp định RCEP nhằm thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp các nước về cơ hội và lợi thế môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, qua đó phát triển quan hệ thương mại, thu hút nguồn vốn từ các nước thành viên Hiệp định RCEP vào những lĩnh vực trọng điểm; tận dụng công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại, thành quả của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 nhằm tháo gỡ những nút thắt có thể gây cản trở một số ngành của Việt Nam trong việc tận dụng Hiệp định này.

Đào tạo kỹ năng chuyên sâu cho doanh nghiệp, nghiên cứu và khai thác thị trường thành viên; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và kinh doanh bền vững; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp từ các nước đối tác tham gia Hiệp định RCEP…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật