Quảng Yên - Quảng Ninh thu hút thêm 80 triệu USD vốn đầu tư FDI
Thị xã Quảng Yên đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng để lên thành phố theo quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh. Địa phương này tiếp tục thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp.
Thêm 3 doanh nghiệp FDI đầu tư trên 80 triệu USD vào Quảng Yên
Ngày 29/3, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết đơn vị tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được đầu tư vào các Khu công nghiệp thuộc thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh với tổng số tiền đầu tư trên 80 triệu USD.
Các dự án gồm Dự án sản xuất vành xe bằng hợp kim luyện nhẹ thông minh tại KCN Bắc Tiền Phong, tổng mức đầu tư 55 triệu USD do Công ty TNHH Xiamen Sunrise Group làm chủ đầu tư.
Dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam 2 tại KCN Đông Mai với tổng vốn đầu tư 15 triệu USD, chủ đầu tư là Cty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam.
Dự án sản xuất dây đai an toàn ôtô tại KCN Sông Khoai với tổng vốn đầu tư trên 10 triệu USD, chủ đầu tư là Cty TNHH Samsong Vina.
Theo đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, các dự án trên đều là các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.
Sau khi hoàn thành, các dự án sẽ góp phần gia tăng năng lực sản xuất của lĩnh vực này, đồng thời, từng bước hình thành các chuỗi sản xuất đồng bộ với giá trị gia tăng cao.
Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng tại Quảng Ninh, 2 dự án FDI mới vào Khu kinh tế Quảng Yên đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Cả 2 dự án này đều thuộc nhóm công nghiệp chế biến chế tạo, mà cụ thể là phụ trợ của ngành công nghiệp ô tô. Trong đó, dự án của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển - Công ty TNHH Autoliv Việt Nam đầu tư vào KCN Sông Khoai có tổng mức đầu tư 154 triệu USD (tương đương 3.773 tỷ đồng), sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu với công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm.
Dự án còn lại có mức vốn 165 triệu USD (tương đương 4.080 tỷ đồng) của nhà đầu tư đến từ Đài Loan. Nhà đầu tư này sẽ triển khai sản xuất các sản phẩm phụ trợ ngành công nghiệp ô tô Boltun Việt Nam tại KCN Bắc Tiền Phong.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các KCN, KTT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt gần 494 triệu USD, bằng 40,9% kế hoạch thu hút FDI của cả năm 2023.
Ngoài ra, để triển khai hiệu quả thu hút FDI vào các KCN, tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng kế hoạch, ban hành 8 nhóm, 17 tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư cho từng KCN cụ thể để phù hợp với tính chất, định hướng phát triển của từng khu.
Mục tiêu của địa phương này là thu hút 18 dự án với tổng vốn đăng ký trên 1,2 tỷ USD vốn FDI vào các KCN, với tổng diện tích đất công nghiệp đăng ký sử dụng khoảng 200ha, nâng tỷ lệ lấp đầy các KCN trên địa bàn tỉnh từ 40,73% lên 45,89%.
Theo đó, kế hoạch đưa ra mục tiêu cụ thể, trong đó quý I cấp, đăng ký điều chỉnh cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 644 triệu USD, diện tích sử dụng đất khoảng 94 ha. Quý II, cấp, đăng ký điều chỉnh cho 6 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 444 triệu USD, diện tích sử dụng đất khoảng 79 ha và trong quý III, dự kiến cấp giấy CNĐKĐT cho 2 dự án với tổng vốn 81 triệu USD, diện tích đất sử dụng khoảng 30 ha…
Trong đó, tỉnh sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư tại các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu, đảm bảo đúng định hướng phát triển KT-XH, phù hợp tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, đặc biệt các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao.
Quảng Yên quy hoạch lên thành phố
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn đến năm 2030, huyện Hải Hà sẽ sáp nhập với TP Móng Cái, ba huyện khác sẽ lên thành phố là Đông Triều, Quảng Yên và Vân Đồn.
Trong đó, thị xã Quảng Yên quy mô dân số 530.000 người, diện tích 333,7 km2. Đây là trung tâm phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và cảng biển của tỉnh và của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ; Là trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí lớn của khu vực phía tây nam của tỉnh và vùng lân cận.
Đây cũng là khu vực tập trung các ngành công nghiệp như: Sản xuất các sản phẩm phụ trợ, sửa chữa tàu thuyền; các dịch vụ thương mại và kho vận; chế biến thuỷ sản gắn với các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản ở địa phương.
Quảng Yên là khu vực năng động phát triển về kinh tế biển, trung tâm là cảng biển; khu công nghiệp hiện đại - khu đô thị thông minh và thân thiện với môi trường; các cơ sở nghiên cứu và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Thị xã Quảng Yên được định hướng mở rộng không gian kết nối về phía bắc và phía nam, phát triển trên các trục kết nối với các đô thị và các khu vực động lực phát triển về công nghiệp, du lịch.
Thị xã phân thành 4 khu vực chính: Khu vực công nghiệp công nghệ cao: gồm các khu công nghiệp, khu đô thị mới gắn kết với các trường đại học và trung tâm nghiên cứu;
Khu vực trung tâm thị xã Quảng Yên: gồm khu trung tâm đô thị mới, là trung tâm đô thị đa chức năng, trung tâm hành chính với dịch vụ công cộng và thương mại, phát huy giá trị lịch sử của di tích Bạch Đằng, hình thành cảnh quan của khu vực chính trong hành lang sinh thái dọc sông Chanh;
Khu vực cảng phía nam: Khu chức năng chính là các khu công nghiệp, phát triển kết nối với cảng Lạch Huyện và giao thông đối ngoại, phân chia luồng giao thông hàng hoá và luồng giao thông dân sinh, phát huy không gian xanh sông Rút;
Khu vực du lịch phía đông: Bao gồm các khu đô thị mới, khu nghỉ dưỡng, bảo vệ rừng ngập mặn, định hướng phát triển là khu du lịch biển, phát triển nông nghiệp trải nghiệm, phát triển các khu resort, đa dạng hoá loại hình du lịch...