A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng trưởng tín dụng 2023 có thể đạt 10%

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng năm 2023, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 3,13% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,51%. Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt 10%, thấp hơn mục tiêu 14-15% của NHNN.

Tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục, cần thêm thời gian để cầu tín dụng cải thiện

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê ngày 29/6 cho biết, tính đến 20/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 3,97%.tăng trưởng tín dụng tính đạt 3,13%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 8,51%. 

Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chủ yếu khiến tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ là do cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, ngoài ra một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Về vấn đề này, cách đây ít ngày, tại cuộc họp báo thông tin kết quả 6 tháng đầu năm của NHNN, Phó Thống đốc thường thực NHNN Đào Minh Tú đã khẳng định rằng khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế của ngành ngân hàng đầy đủ và sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề hấp thụ vốn chậm bởi cả tính khách quan và chủ quan của cả ngân hàng và doanh nghiệp. 

Về phía các ngân hàng, trước thực trạng thị trường trái phiếu, chứng khoán và bất động sản còn đang khó khăn, trách nhiệm cung ứng nguồn vốn của ngân hàng càng nặng nề. “Ai cũng mong muốn lãi suất cho vay thấp, nguồn tiền cho vay nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng cũng mong như vậy, Nhưng để giải quyết vấn đề này phải hài hoà và tạo sự cân bằng giữa khả năng vay và hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Điểm cân bằng này là vai trò của nhà nước”, đại diện NHNN cho hay.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Đào Minh Tú, tình hình thực tế rất khó khăn khi hàng tồn kho nhiều, một số doanh nghiệp giảm bớt công nhân, lao động. Cùng đó, sức mua, sức cầu cả thế giới và trong nước cũng đang giảm. 

Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, chưa có sự giảm đồng bộ với lãi suất huy động và lãi suất điều hành vì mức lãi suất này là thỏa thuận giữa nhà băng và khách hàng, theo thỏa thuận cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Việc lãi suất cho vay vẫn cao càng góp phần tác động làm giảm cầu tín dụng.

Thực tế doanh nghiệp không dám vay vốn vì lãi vay quá cao cũng được các Hiệp hội cũng như giới chuyên gia chỉ ra lâu nay. Cho đến nay, dù NHNN đã 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại vẫn chưa giảm đáng kể do độ trễ. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất cho vay VND bình quân đối với các khoản vay mới hiện ở mức khoảng 8,9%/năm, giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022.

Sở dĩ có độ trễ như vậy là bởi phía các ngân hàng thương mại đến nay vẫn chưa trung hòa hết số vốn đắt đã huy động vào thời điểm lãi suất huy động lên đỉnh hồi cuối năm 2022 (thời điểm mà lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng - 12 tháng lên tới 8-11%). Báo cáo tài chính quý I/2023 của các ngân hàng thương mại trên toàn hệ thống cũng cho thấy phần nào tác động của việc vốn đắt ăn mòn lợi nhuận các nhà băng, khi chi phí trả lãi tiền gửi của hàng loạt ngân hàng tăng mạnh 2 đến 3 con số. Chẳng hạn Techcombank ghi nhận tăng 186%, MBBank ghi nhận tăng 126% hay ABBank tăng 110%...

Theo các chuyên gia, phải cần độ trễ ít nhất 1 quý nữa để các ngân hàng trung hòa hết số vốn đắt này, trước khi mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm xuống đáng kể. Tức là, vẫn cần thêm thời gian để cầu tín dụng có thể tăng lên theo đà giảm của lãi suất cho vay.

Về phía NHNN, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tăng trưởng tín dụng năm nay có thể chỉ đạt 10%, nhưng về dài hạn an toàn cho nền kinh tế

Thực tế đến nay, việc điều hành chính sách tiền tệ trong nước vẫn phải “lựa” theo diễn biến kinh tế thế giới nói chung cũng như chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn, nhất là trong bối cảnh tình hình lạm phát quốc tế vẫn dai dẳng và mặt bằng lãi suất ở các thị trường lớn chưa hạ nhiệt. Mới đây, dù tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ gần nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn phát đi tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất khoảng 2 lần từ nay đến cuối năm. 

Nói về điều hành chính sách tiền tệ chung, một lãnh đạo khác của NHNN là Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng từng nhấn mạnh rằng NHNN không thể điều hành theo cách “thử và sai”. Tương tự, dù thừa nhận tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chưa nhanh, nhưng Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh rằng không phải vì thế ngân hàng tăng trưởng tín dụng bằng hạ chuẩn tín dụng, ném tiền ra thị trường. “Tăng trưởng tín dụng vẫn đảm bảo an toàn và hiệu quả tín dụng”, ông Tú khẳng định.

Trong một báo cáo cập nhật ngành ngân hàng hồi giữa tháng 6, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo nhu cầu tín dụng sẽ dần hồi phục từ những tháng cuối năm 2023 trở đi nhờ sự khởi sắc của lĩnh vực xuất nhập khẩu từ nửa cuối 2023 và những tín hiệu tích cực hơn của thị trường bất động sản từ quý IV năm nay. Qua đó có thể đưa tăng trưởng tín dụng khởi sắc về cuối năm.

"Có thể thấy tín dụng liên quan đến bất động sản là động lực chính của tổng tăng trưởng tín dụng trong nhiều năm nên các dự án sắp chào bán vào cuối năm nay có thể tiếp tục là động cơ hỗ trợ thúc đẩy nhu cầu tín dụng yếu hiện tại quay trở lại", VDSC nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn thận trọng hơn, sau khi NHNN ban hành Thông tư 06/2023 sửa đổi một số điều về quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gần đây, Công ty chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm nay có thể đạt mức 10%, tức thấp hơn so với mục tiêu 14-15% của NHNN. 

 Nguồn: VNDirect

Theo đó, Thông tư 06/2023 được ban hành ngày 28/6, dự kiến có hiệu lực từ 1/9 với 3 nội dung chính: bổ sung các mục đích vay vốn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao không được cho vay; đốc thúc các NHTM tăng cường giám sát với các khoản vay phục vụ mục đích đầu tư kinh doanh chứng khoán; mua hoặc kinh doanh bất động sản và tạo hành lang pháp lý cho các khoản vay được duyệt thông qua phương tiện điện tử.

Thông tư 06 cũng đề xuất thêm một số quy định đối với các nhu cầu vốn không được cho vay, trong đó đáng chú ý bao gồm: đảo nợ, để gửi tiền, thanh toán tiền góp vốn, mua chuyển nhượng phần vốn góp tại các CTCP chưa niêm yết, thanh toán tiền góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư với các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.

Theo nhóm phân tích từ VNDirect, việc bổ sung thêm các quy định này có khả năng làm chậm tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn, tuy nhiên trong dài hạn sẽ đảm bảo an toàn hơn cho hệ thống tài chính cũng như toàn nền kinh tế thông qua việc giúp phản ánh chính xác chất lượng tín dụng, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan