Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh bền vững
Việt Nam đã luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm ứng phó với BĐKH, hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Phát biểu tại tọa đàm “Vai trò của tổ chức tín dụng trong việc hỗ trợ phát triển bền vững” do NHNN Việt Nam phối hợp với ADB tổ chức ngày 6/10, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế và đe dọa sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai. Trong năm 2022, Việt Nam đã mất 10% tổng thu nhập quốc dân do tác động của biến đổi khí hậu, thuộc loại cao nhất châu Á. Tuy nhiên, đại diện ADB đánh giá Việt Nam đã nhận thức rõ vấn đề này thông qua việc luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm ứng phó với BĐKH, hướng tới phát triển xanh, bền vững. Nhất là, những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (COP26) với quyết tâm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Tăng trưởng xanh chuyển biến rõ rệt
Ở góc độ ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, xây dựng Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; xây dựng Thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh... Ngoài ra, NHNN cũng có nhiều chính sách khuyến khích các TCTD phát triển tín dụng xanh, ưu tiên vốn đầu tư cho các ngành, lĩnh vực thân thiện với môi trường, giảm phát thải nhà kính. Bên cạnh đó, NHNN tích cực đàm phán nhằm huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ song phương và đa phương, hỗ trợ các TCTD trong nước có thêm nguồn lực tài trợ tín dụng cho các dự án xanh.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc hội thảo |
Dưới sự chỉ đạo của NHNN, các TCTD có sự chuyển biến rõ rệt trong định hướng hoạt động tín dụng xanh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh. Đơn cử, như VPBank, trong giai đoạn 2020-2021, ngân hàng này đã huy động nguồn vốn tín dụng xanh trị giá 262,5 triệu USD từ nhiều tổ chức tài chính quốc tế nhằm gia tăng khả năng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh. Năm 2022, ngân hàng này đang tiếp tục thảo luận với các tổ chức quốc tế tài trợ khoản vay khoảng 500 triệu USD để có thêm nguồn lực hỗ trợ tăng trưởng xanh...
Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, hoạt động tín dụng xanh đạt kết quả tích cực thể hiện qua con số như giai đoạn 2017-2021 dư nợ cấp tín dụng xanh tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến 30/6/2022 dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh khoảng 474 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,1%/tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 7,08% so với năm 2021; dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế với hơn 1,1 triệu món vay.
Phải có danh mục xanh với tiêu chí rõ ràng
Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh của ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn như chưa có quy định chung của Quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh để các TCTD xác định cấp tín dụng xanh. Bất cập nữa, hiện nay nhu cầu vốn cho đầu tư các dự án xanh thường đòi hỏi vốn lớn, kỳ hạn dài trong khi nguồn vốn huy động của các TCTD phần lớn là ngắn hạn. Do vậy, các TCTD gặp khó khăn trong cân đối kỳ hạn để phát triển tín dụng xanh.
Điện gió giúp giảm phát thải nhà kính |
Một vấn đề khác, theo đại diện VPBank việc tạo danh mục xanh là thách thức đối với nhiều ngân hàng khi mà chưa có tiêu chí rõ ràng. Mặc dù ngân hàng dành nhiều hỗ trợ cho dự án xanh như giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm so với lãi suất thông thường, nhưng vì chi phí đầu tư xanh cao hơn so với tiêu chuẩn thông thường nên doanh nghiệp cũng không mặn mà. Ngoài vấn đề chi phí, khách hàng chưa nhận thức được sự cần thiết và chưa bị bắt buộc phải thực hiện lộ trình giảm khí thải nên ngân hàng rất khó thuyết phục khách hàng chuyển hướng đầu tư xanh. Để khuyến khích doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư xanh, bền vững, đại diện VPBank kiến nghị: Các cơ quan Chính phủ xây dựng các chính sách ưu đãi và ổn định cho đầu ra của các dự án xanh. Đồng thời đưa ra các điều kiện về đầu tư bền vững thành điều kiện phê duyệt dự án đầu tư...
Trong giai đoạn 2021-2030, để thực hiện tăng trưởng xanh, Chính phủ sẽ tập trung vào phát huy nguồn lực từ nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân như tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh. Vì vậy, chúng ta cần có những quy định, tiêu chuẩn cho các bên cung cấp và phát hành trái phiếu xanh. Bà Tùng kiến nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành có hướng dẫn thống nhất về danh mục xanh với các tiêu chí môi trường rõ ràng để các TCTD tham chiếu cho vay khách hàng.
“Danh mục xanh của Việt Nam phải dựa trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế cũng như của ASEAN, đồng thời phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Tức là danh mục xanh phù hợp với hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam”, bà Tùng lưu ý.
Đồng tình với những kiến nghị trên, ông Eugene Wong - Giám đốc Viện Tài chính bền vững châu Á cho rằng, cần thiết phải có bộ phân loại chung cho các hoạt động bền vững trong ASEAN. Cụ thể, bộ phân loại cung cấp tiếng nói của ASEAN rõ ràng hơn đối với cộng đồng quốc tế; tạo sự nhất quán, đáng tin cậy và đảm bảo sự chấp nhận toàn cầu đối với các khoản đầu tư bền vững trong ASEAN… Ngân hàng và khách hàng có thể dựa vào phân loại ASEAN để xác định những khoản đầu tư xanh, bền vững và thực hiện các cách thức "xanh hoá" trong sản xuất, kinh doanh. Bộ phân loại cũng là công cụ hữu ích để giúp các ngân hàng điều chỉnh danh mục đầu tư của mình cho phù hợp với các mục tiêu và yêu cầu về phát triển bền vững…
Theo ADB, Việt Nam cần huy động rất nhiều nguồn vốn để có thể đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26. Ông Andrew Jeffries cho biết, ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam, đồng thời kết hợp chặt chẽ với NHNN và các bên liên quan tham gia thị trường tài chính xanh để hỗ trợ sự phát triển của thị trường này. Về vấn đề nguồn vốn, thực tế cho thấy, bên cạnh vốn tín dụng cần phải phát triển nguồn khác như thị trường vốn, trái phiếu xanh… Có như vậy mới phát huy tốt hơn, hiệu quả chương trình, mục tiêu về phát triển xanh cũng như tăng trưởng xanh ở Việt Nam.