A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu tôm tháng 5/2023: Tín hiệu khả quan từ thị trường ngách, thị trường lớn dự báo nhích nhẹ về cuối năm

Theo số liệu mới công bố của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), trong tháng 5, xuất khẩu tôm - một trong những mặt hàng chủ lực của thuỷ sản Việt Nam - sang các thị trường chính vẫn đồng loạt giảm 2 con số. Tuy nhiên, chỉ số xuất khẩu sang những thị trường nhỏ hơn như Anh, Đài Loan (Trung Quốc) lại ghi nhận tăng trưởng dương.

Nhu cầu tôm từ các thị trường chính dự báo nhích nhẹ nửa cuối năm

Tháng 5, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ nhất về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23%. Xếp thứ hai là Mỹ với tỷ trọng 21%. 

Tính tới tháng 5 năm nay, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường có kim ngạch xuất khẩu tăng dần đều, tháng sau cao hơn tháng trước đó. Dù tốc độ xuất khẩu vẫn âm so với cùng kỳ, nhưng tốc độ giảm đã ít hơn (tháng 3 ghi nhận mức giảm 40%, tháng 4 giảm 22%, tháng 5 mức giảm là 11%).

Thị trường Mỹ cũng có xu hướng tương tự. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, 4 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu tôm vào Mỹ đạt 521 triệu pao (khoảng 236.039 tấn), giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tháng 4, một số sản phẩm tôm của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ ghi nhận tăng trưởng so với tháng 3 như tôm nguyên liệu còn vỏ tăng 211% so với tháng 3, tôm nguyên liệu bóc vỏ tăng 46%, tôm hấp và tôm bao bột tăng lần lượt 13% và 20%.

Dịch bệnh, xung đột dẫn đến kinh tế toàn cầu đi xuống, lạm phát gia tăng. Người dân thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", giảm chi tiêu, lựa chọn những thực phẩm giá rẻ… Khiến nhu cầu tiêu thụ tôm giảm và nguồn cung trên thế giới tăng, đặc biệt là từ Ecuador và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, các nước như Indonesia, Ecuador thu hoạch tôm sớm với sản lượng tôm trúng mùa cả về lượng và kích thước tôm, cạnh tranh trực tiếp với tôm Việt Nam. Các nước này cũng đang cung ứng với giá rẻ hơn tôm Việt Nam từ 1-2 USD/kg, khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm gặp khó khăn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm liên tục trong các tháng vừa qua, gây ra nhiều hệ lụy cho toàn ngành tôm.

Theo bà Kim Thu - chuyên gia ngành tôm của Vasep,  tôm Việt Nam ngày càng giảm sức cạnh tranh so với Ecuador, Ấn Độ. Để có thể tồn tại, chúng ta phải có được sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan trong chuỗi ngành. Kết hợp từ công ty sản xuất con giống chất lượng tốt, thức ăn chất lượng với giá thành thấp, các đơn vị cung ứng chế phẩm nuôi trồng với giá cả hợp lý.

“Đối mặt với những thách thức hiện tại, doanh nghiệp chế biến phải rà soát lại chi phí sản xuất, cắt giảm chi phí không cần thiết. Song song là cố gắng phát triển thêm các mặt hàng giá trị gia tăng có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn (như sushi, tôm tẩm bột, tempura, tôm ăn liền…), các sản phẩm đặc thù như tôm nuôi quảng canh trong hệ rừng sinh thái cung cấp cho phân khúc thị trường cao cấp.

Ngoài các thị trường lớn với nhu cầu đang thấp, doanh nghiệp nên tìm tới những thị trường nhỏ như tại khu vực Châu Á: Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sĩ… có sức mua tốt hơn do không có lượng tồn kho”  - Vị chuyên gia đề xuất. 

Ngoài Trung Quốc và Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là những thị trường xuất khẩu lớn của Thuỷ sản. 

Tại thị trường EU, 5 tháng đầu năm, nhu cầu tiêu thụ chậm. Xuất khẩu tôm đạt 153 triệu USD, giảm 49% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do mâu thuẫn Nga-Ukraine, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng, xăng dầu tăng, đồng EURO mất giá.

Người dân chọn thực phẩm giá rẻ, tôm cỡ nhỏ hơn, các nhà nhập khẩu hạn chế mua vào, cố gắng bán ra để giải phóng hàng tồn kho và hạn chế lỗ. 

Tại thị trường này, tôm Việt Nam cũng phải cạnh tranh mạnh với tôm Ecuador, Ấn Độ. Gần đây, 2 thị trường này bắt đầu tăng xuất hàng chế biến sang EU tuy nhiên chưa thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính này. Nên tôm chế biến của Việt Nam tại thị trường EU vẫn còn nhiều dư địa.

Từ tháng 7, khi thu hoạch tôm từ các nước giảm, các nhà nhập khẩu EU bắt đầu tăng nhẹ sức mua từ Việt Nam để chuẩn bị cho dịp cuối năm.

5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 192 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tôm giá trị gia tăng sang thị trường này. Hàng truyền thống như tôm nguyên con từ Việt Nam xuất sang Nhật phải cạnh tranh mạnh với Ecuador, Ấn Độ vì giá tôm Việt Nam cao. 2 năm gần đây, Nhật Bản tăng mua nhiều tôm Ấn Độ.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật tương đối thuận lợi hơn các thị trường khác do tôm từ các nước Ecuador, Ấn Độ chưa đáp ứng được bằng hàng Việt Nam về hàng giá trị gia tăng. Dự kiến quý cuối năm nay, nhu cầu nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ tăng nhẹ.

Còn tại thị trường Hàn Quốc, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 136 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Lạm phát cao, tiền mất giá, lãi suất tăng, người dân chi tiêu tiết kiệm, tồn kho nhiều là những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm. Từ nay đến cuối năm, dự kiến nhu cầu không biến động nhiều và tăng nhẹ để phục vụ dịp cuối năm.

Điểm sáng nào cho xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm?

Dù thị trường sẽ còn những bất thường khó lường trước, thế nhưng ngành thuỷ sản nói chung và ngành tôm nói riêng đang dần có sự phục hồi, khi kim ngạch tháng sau đã cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, so với mức nền cao của năm ngoái, lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn thấp hơn 27%, đạt gần 4,2 tỷ USD.

Riêng trong tháng 6, xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 800 triệu USD, giảm 21%. Trong đó, mặt hàng tôm ước đạt 341 triệu USD, mức cao nhất từ đầu năm tới nay, giảm 18% so với cùng kỳ - đây cũng là mức giảm thấp nhất từ đầu năm. Lũy kế nửa đầu năm, xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với nửa đầu năm 2022.

Nhìn chung, các thị trường nhập khẩu chính của thủy sản như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... bị chi phối bởi 2 yếu tố chính: lạm phát và tồn kho. Lượng tồn kho đang được giải tỏa dần ở các thị trường, nhu cầu dự báo sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, lạm phát tại nhiều thị trường chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đó sẽ là "cái phanh" kìm hãm sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản tại Mỹ, EU...

Tuy nhiên, một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... vẫn được coi là điểm đến lạc quan cho sản phẩm thế mạnh của Việt Nam: đó là hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Bởi vì ở những thị trường này, chúng ta chưa bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán như ở Mỹ, EU hay Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu ở Đông Nam Á cũng được đánh giá là tiềm năng vì có nền kinh tế ổn định hơn, lạm phát thấp hơn cộng với lợi thế vị trí địa lý và ưu đãi thuế quan theo các FTA.

"Dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ dần hồi phục trong những tháng tới và có kết quả tốt hơn so với nửa đầu năm, nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội" - Chuyên gia Vasep dự đoán. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật