A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng sắp thi công lại, TPHCM kỳ vọng giảm ngập

TPHCM - Sau 5 năm đình trệ, siêu dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng sắp được tái khởi động, kỳ vọng sớm hoàn thành để góp phần giảm ngập cho thành phố.

Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng sắp thi công lại, TPHCM kỳ vọng giảm ngập

Cống ngăn triều Tân Thuận (TPHCM) - một trong 6 cống của dự án ngăn triều. Ảnh: Anh Tú

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được khởi công từ năm 2016 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.

Mục tiêu nhằm kiểm soát ngập do triều cường cho khu vực rộng khoảng 570 km², với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.

Đường Trần Xuân Soạn là một trong tổng 7 tuyến đường bị ngập do triều cường chưa được giải quyết. Ảnh: Minh Quân
Đường Trần Xuân Soạn là một trong tổng 7 tuyến đường bị ngập do triều cường chưa được giải quyết. Ảnh: Minh Quân

Tính đến thời điểm tạm dừng vào tháng 11.2020, dự án đã đạt hơn 90% khối lượng thi công. Tuy nhiên, vướng mắc về thanh toán quỹ đất, bố trí vốn và hoàn thiện các thủ tục pháp lý khiến dự án buộc phải tạm dừng thi công.

Theo Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam - nhà đầu tư dự án, việc đình trệ kéo dài khiến chi phí phát sinh tăng mạnh, trong đó riêng tiền lãi vay lên đến hơn 1,7 tỉ đồng mỗi ngày. Nếu tính theo tiến độ dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên hơn 14.000 tỉ đồng.

Đại diện Công ty Trung Nam khẳng định, khi được tháo gỡ toàn bộ các vướng mắc hiện tại, nhà đầu tư có thể tái khởi động thi công ngay khi hoàn tất huy động vật tư và nhân lực, với thời gian hoàn thành toàn bộ dự án trong vòng 9 tháng.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 212/NQ-CP về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.

Theo Nghị quyết, UBND TPHCM được điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và triển khai các phương án thanh toán bằng quỹ đất để tháo gỡ vướng mắc về vốn.

TPHCM sẽ sử dụng ba khu đất để thanh toán cho nhà đầu tư, gồm: Khu đất Lô C8A – Khu A – Đô thị mới Nam Thành phố (rộng 5.500 m², Quận 7 cũ); khu đất 762 Bình Quới (rộng 4.298 m², quận Bình Thạnh cũ); khu đất 232 Đỗ Xuân Hợp (rộng hơn 17.500 m², TP Thủ Đức cũ).

Trường hợp giá trị quỹ đất thấp hơn giá trị công trình (sau khi đã loại bỏ các chi phí bất hợp lý), phần chênh lệch sẽ được thanh toán bằng vốn đầu tư công do TPHCM quản lý.

Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán dự án để làm cơ sở thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư, tránh lãng phí, sớm đưa công trình vào vận hành.

Cống ngăn triều Mương Chuối sau thời gian dài không thi công. Ảnh: Anh Tú
Cống ngăn triều Mương Chuối sau thời gian dài không thi công. Ảnh: Anh Tú

Để chuẩn bị cho việc tái thi công, mới đây TPHCM đã bổ sung 1.800 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2025 cho dự án ngăn triều.

Đồng thời, TPHCM đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan đến quỹ đất thanh toán.

Sở Tài chính TPHCM được giao chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu và đề xuất chủ trương đầu tư đối với các khu đất, nhanh chóng triển khai việc điều chỉnh hợp đồng với nhà đầu tư. Trong đó, lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm tra hồ sơ điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, tham mưu kiện toàn tổ công tác dự án, đàm phán và ký phụ lục hợp đồng BT, cũng như phương án thanh toán cụ thể.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM được giao kiểm tra giá trị khối lượng đã thực hiện, làm cơ sở để gửi kiến nghị kiểm toán giá trị hoàn thành.

Về việc vận hành sau khi hoàn thành, UBND TPHCM giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các đơn vị liên quan xây dựng phương án bàn giao, xác định đơn vị tiếp nhận vận hành và định mức kỹ thuật cho hệ thống công trình.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật