A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

100% cơ sở dược bị kiểm tra ở TPHCM đều có vi phạm

Ngày 22.7, Ủy ban Văn hóa - Xã hội Quốc hội làm việc với Sở Y tế TPHCM về phòng chống thuốc giả, thực phẩm kém chất lượng. Các đại biểu chỉ ra rằng, cơ chế hậu kiểm hiện nay có nhiều lỗ hổng, dễ bị lợi dụng.

100% cơ sở dược bị kiểm tra ở TPHCM đều có vi phạm

Lực lượng chức năng phát hiện nhiều hộp dược phẩm vứt ra bãi rác tự phát trên địa bàn TPHCM. Ảnh: Minh Tâm

Lỗ hổng hậu kiểm đang bị lợi dụng

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định TPHCM là một địa bàn phức tạp, nơi tập trung hàng chục nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, nên nguy cơ vi phạm luôn hiện hữu.

Theo bà Hoa, việc triển khai Nghị định 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, theo cơ chế hậu kiểm thay vì tiền kiểm là một bước tiến trong cải cách hành chính, nhưng cũng đang để lộ “lỗ hổng” lớn.

“Cơ chế này đang bị một số đối tượng lợi dụng để sản xuất, buôn bán hàng giả. TPHCM cần làm rõ những lỗ hổng cụ thể là gì để kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật còn bất cập”, bà Hoa phân tích. Đặc biệt, bà Hoa đặt vấn đề có nên quay lại hình thức tiền kiểm đối với một số nhóm sản phẩm nhạy cảm như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người tiêu dùng và đặt câu hỏi “Liệu chúng ta đã đủ nhân lực, đủ công cụ để đảm bảo hiệu quả giám sát không?”.

Cùng chung quan điểm, ông Phan Trọng Nghĩa, Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội nêu thực tế từ tháng 1 đến tháng 4.2025, TPHCM mới kiểm tra được 777 cơ sở dược chỉ chiếm khoảng 1% tổng số cơ sở trong đó, 100% cơ sở bị kiểm tra đều có vi phạm.

“Tỉ lệ này cho thấy nguy cơ vi phạm là rất phổ biến, nhưng công tác hậu kiểm chưa đủ bao phủ”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Từ tháng 1 đến tháng 6.2025, Ban Chỉ đạo 389 TPHCM đã kiểm tra 2.700 vụ, phát hiện gần 4.500 mặt hàng có vấn đề, trong đó có hơn 200 vụ liên quan đến thuốc và thực phẩm giả. Ông Nghĩa đề nghị TP báo cáo rõ hơn về nguồn lực chống hàng giả, cũng như đánh giá tính khả thi của việc triển khai mô hình thanh tra chuyên ngành cấp xã một giải pháp mới nhưng cần cân nhắc thực tiễn.

TPHCM vạch trần chiêu trò sản xuất thuốc và thực phẩm giả

Tại buổi khảo sát của Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống thuốc giả và thực phẩm giả, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, hiện nay thủ đoạn sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm giả trên địa bàn ngày càng tinh vi, có tổ chức, mang tính xuyên địa phương và khó phát hiện.

Theo ông Nam, các đối tượng thường chọn địa điểm sản xuất tại vùng ven, nơi ít bị kiểm soát, ngụy trang bên trong các xưởng gia công khác. “Họ phân tán hoạt động ở nhiều điểm, lợi dụng nền tảng số và các dịch vụ giao hàng nhanh để đưa hàng giả tới tay người tiêu dùng. Đặc biệt, hàng giả thường được làm nhái mẫu mã sản phẩm thật, thậm chí có cả tem, nhãn, mã QR khiến người dân rất khó nhận biết”, ông Nam cảnh báo.

Chỉ trong một số vụ lớn gần đây, TPHCM đã phát hiện đường dây làm giả thuốc điều trị xương khớp quy mô hơn 60 tỉnh thành, tang vật thu giữ gồm hàng tấn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, cùng dây chuyền sản xuất tinh vi; lực lượng chức năng cũng phối hợp các tỉnh giáp ranh triệt phá cơ sở làm giả thực phẩm chức năng trị giá hơn 14,5 tỉ đồng.

TPHCM hiện có hơn 2.800 cơ sở kinh doanh dược phẩm và hơn 14.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Với quy mô này, ông Nam cho rằng, cần tăng cường phối hợp liên ngành, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, siết chặt quản lý thương mại điện tử, đồng thời hoàn thiện các cơ chế pháp lý để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật