Ngày này năm xưa 7/12: Bộ Công Thương ban hành Quy chế về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ
Ngày này năm xưa 7/12/2017: Bộ Công Thương ban hành Quy chế xây dựng, phê duyệt và thực hiện các đề án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” của Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 7/12 trong nước và ngành Công Thương; các sự kiện quốc tế và sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 7/12/1320: Là ngày mất của tướng quân Phạm Ngũ Lão, ông sinh năm 1255 quê ở làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, là con rể Trần Hưng Đạo (Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn).
Ông là một tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ XIII. Dưới triều vua Trần Anh Tông, ông còn lập nhiều chiến công ở biên giới phía Nam, được phong chức Điện soái thượng tướng quân.
Tuy là võ tướng, ông cũng thích đọc sách, ngâm thơ. Tác phẩm của ông chỉ còn lại hai bài thơ: Thuật hoài (tỏ lòng) và bài Viếng Hưng Đạo đại vương.
Thuở đầu lập nghiệp, Phạm Ngũ Lão được truyền tụng với câu chuyện ngồi bên đường đan sọt, giáo đâm vào đùi chẳng hề hay biết vì mải lo mưu kế đánh giặc.
Ngày 7/12/1895: Nguyễn Công Trứ qua đời, ông sinh năm 1778, quê ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông học hành cần cù nhưng mãi đến năm 42 tuổi mới đỗ Giải nguyên làm quan dưới triều nhà Nguyễn. Làm quan đến Thị lang Bộ hình và Đại tướng, có lúc bị cách chức xuống làm lính thú ở biên thùy, song ông vẫn trung thành với nhà Nguyễn. Khi làm Dinh điền sứ, ông đã có công mộ dân khai khẩn đất hoang, lập hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình). Ngày nay các nơi ấy vẫn còn đền thờ ông.
Nguyễn Công Trứ còn để lại 50 bài thơ, hơn 60 bài ca trù và một bài phú nổi tiếng "Hàn nho phong vị phú" đều viết bằng chữ Nôm. "Bài ca ngất ngưởng" cũng là tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Công Trứ.
Ngày 7/12/1995: Bộ Văn hóa - Thông tin đã lập dự án quy hoạch tổng thể Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô - Ngải Sơn huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Dự án nhằm xây dựng trung tâm văn hóa lớn tầm cỡ quốc gia dưới dạng một công viên văn hóa để tái hiện trưng bày những truyền thống, thành tựu văn hóa vật chất và tinh thần tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam. Làng văn hóa có diện tích 1.540ha, với tổng mức đầu tư dự án là gần 600 triệu đôla Mỹ.
Ngày 7/12/2001: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định 59/2001/QĐ-BCN về việc thành lập Chi nhánh Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam tại miền Nam
Ngày 7/12/2001: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 187/2001/QĐ-TTg về việc cho phép cửa khẩu Tây Trang và cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu được áp dụng chính sách Khu kinh tế cửa khẩu biên giới.
Ngày 7/12/2006: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định 43/2006/QĐ-BCN về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công nghiệp ban hành hết hiệu lực pháp luật.
Ngày 7/12/2017: Bộ Công Thương ban hành Quyết định 4572/QĐ-BCT về Quy chế xây dựng, tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các đề án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Bộ Công Thương ban hành Quyết định 4572/QĐ-BCT về Quy chế xây dựng, tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các đề án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. |
Ngày 7/12/2018: Bộ Công Thương ban hành văn bản hợp nhất Thông tư quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện.
Sự kiện quốc tế
Ngày 7/12/1941: Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng. Trận tấn công Trân Châu Cảng là một đòn tấn công quân sự bất ngờ được Không lực Hải quân Nhật Bản thực hiện nhằm vào căn cứ hải quân của Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng thuộc tiểu bang Hawaii. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong Chiến tranh thế giới thứ hai dẫn đến việc Tổng thống Mỹ quyết định tham gia vào hoạt động quân sự trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Cuộc tấn công bao gồm hai đợt không kích với tổng cộng 353 máy bay xuất phát từ 6 tàu sân bay Nhật Bản. Trận tấn công đã đánh chìm 4 thiết giáp hạm Hoa Kỳ và gây hư hỏng cho 4 chiếc khác. Quân Nhật còn đánh chìm hoặc phá hoại 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục và 1 tàu thả mìn, phá hủy 188 máy bay, gây tổn thất về nhân mạng khoảng 2.402 người tử trận và 1.282 người khác bị thương. Nhật Bản chịu thiệt hại nhẹ khi chỉ mất 29 máy bay bị bắn hạ và 4 tàu ngầm mini bị đánh chìm với khoảng 64 người thiệt mạng.
Trận đánh này được trù tính sẽ ngăn ngừa và giữ chân Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ không can thiệp đến cuộc chiến mà Nhật Bản đang hoạch định nhằm xâm chiếm Đông Nam Á, chống lại Anh quốc, Hà Lan và Hoa Kỳ, đồng thời làm chủ vùng biển châu Á -Thái Bình Dương trong giai đoạn đầu của chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngày 7/12/1944: Tại thành phố Chicago (Hoa Kỳ) đã ký công ước về Hàng không dân dụng. Công ước này nhằm thắt chặt, giữ gìn tình hữu nghị giữa các dân tộc bảo đảm an ninh chung và tạo cho ngành hàng không phát triển an toàn, trật tự, cung cấp dịch vụ đường tải đường không ngày càng tốt hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và toàn cầu.
Hàng không dân dụng thế giới (gọi tắt là ICAO) chính thức trở thành tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc từ năm 1947 và đến nay đã có hơn 180 quốc gia thành viên. Việt Nam đã tham gia ICAO từ năm 1980.
Ngày 7/12/1970: Cộng hoà Liên bang Đức và Ba Lan bình thường hoá quan hệ.
Ngày 7/12/1975: Quân đội Indonesia chiếm đóng Đông Timor.
Ngày 7/12/1981: Tây Ban Nha trở thành thành viên của NATO.
Ngày 7/12/1988: Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat công nhận sự tồn tại của nhà nước Israel.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 7/12/1945: Trên tờ báo “Tấc Đất” của Bộ Canh nông, Bác đăng thư “Gửi Nông gia Việt Nam” trong đó chỉ rõ: “Hiện nay chúng ta có hai việc quan trọng nhất: Cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam” đồng thời kêu gọi nông dân: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954. Ảnh:TTXVN |
Ngày 7/12/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra “Lời kêu gọi gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp” khẳng định: ”Người Việt Nam và người Pháp đã đổ máu nhiều rồi, đã chịu tai vạ chiến tranh nhiều rồi... Tôi yêu Tổ quốc và đồng bào tôi, tôi cũng yêu nước Pháp và nhân dân Pháp. Vì vậy tôi thiết tha kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Pháp nghĩ đến lợi quyền chung tối cao của hai dân tộc Pháp - Việt, hạ lệnh cho đương cục Pháp khôi phục tình trạng trước ngày 20/11/1946, để cùng Chính phủ Việt Nam thi hành Tạm ước, để xây đắp sự cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài” .
Ngày 7/12/1963: Trước cuộc thảo luận trong Hội nghị Trung ương lần thứ 9, Bác nhắc nhở: “Người làm chính trị cương vị càng cao thì càng phải bình tĩnh... Mục đích của ta là vì đoàn kết. Vì đoàn kết mà phải tranh đấu. Tranh đấu để đi đến đoàn kết chứ không nói xấu ai... Phải làm sao cho trong Đảng và trong nhân dân giữ được lòng yêu mến và biết ơn các nước bạn anh em, đó là “thiên kinh địa nghĩa”, đồng thời không nên coi sự bất đồng là chuyện lạ...”.