"Cát tặc" nổ súng bắn người: Chuyện thường ở Vĩnh Phúc?
Hỏi nhiều người dân Vĩnh Phúc sống dọc sông Lô, ai cũng biết nạn "cát tặc" hoành hành. Chuyện "cát tặc" rút súng bắn người như phim cũng diễn ra không ít. Thế nhưng, không hiểu sao, tình trạng này vẫn diễn ra.
Tháng 5/2012, khi người dân xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc ra ngăn cản việc khai thác cát lậu, một "cát tặc" đã bắn 1 phát đạn chỉ thiên và nạp đạn nhằm về phía những người dân xã Bạch Lưu bắn tiếp phát thứ 2. Hậu quả làm 4 người bị thương, tổn hại sức khỏe từ 3 đến 13%.
Tháng 9/2014, Công an tỉnh Vĩnh Phúc phải phối hợp với Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP Hải Phòng bắt giữ đối tượng Vũ Xuân Tuấn (tức Tuấn “Hùng”, SN 1979, trú tại phường Tân Dân, TP Việt Trì, Phú Thọ) khi đối tượng này đang lẩn trốn tại Hải Phòng.
Trước đó, Tuấn “Hùng” bị cơ quan công an phát lệnh truy nã về tội “Cố ý gây thương tích” và “Đánh bạc”.
Vũ Xuân Tuấn là đối tượng cầm đầu băng nhóm xã hội đen chuyên bảo kê cho “cát tặc” và thu “phế” của các doanh nghiệp khai thác cát sỏi ở Sông Lô, trên địa bàn hai tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Để lấy "số má", Tuấn “Hùng” cùng đồng bọn gây ra hoàng loạt vụ bắn, chém gây xôn xao dư luận.
Mới đây nhất, đêm ngày 10/5/2022, trong quá trình tuần tra, giám sát khu vực mỏ các nhân viên của Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phong 68 đã bị một số "cát tặc" tấn công và nổ súng, hậu quả khiến nhiều người bị thương.
Tàu đang nhận cát từ các phương tiện hút trái phép được các bộ Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phong ghi lại |
Theo trình báo của ông Nguyễn Minh Cường (Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phong 68), công ty của ông Cường đã ký hợp đồng ủy quyền với Công ty TNHH An Viên (đơn vị được cấp phép khai thác) về việc khai thác và bảo vệ tài nguyên, khoáng sản được phép khai thác trên sông Hồng, diện tích 10,6 hecta.
Trong thời gian này, toàn bộ việc khai thác cát và tài nguyên, khoáng sản trên sông Hồng đều không được phép triển khai, vậy nhưng theo thông tin nhận được vẫn có nhiều đối tượng cho tàu, thuyền hút cát ra khai thác trái phép tại vị trí đã được cơ quan chức năng bàn giao và cấp phép cho Công ty An Viên và Công ty Thịnh Phong quản lý, khai thác và bảo vệ.
Không phải chỉ các công ty có nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên, khoáng sản cát trên sông, lâu nay, người dân Vĩnh Phúc sống dọc sông Lô cũng điêu đứng vì nạn "cát tặt". Người dân sinh sống dọc tuyến sông phải đau xót chứng kiến cảnh "bờ xôi, ruộng mật" ven sông bị sạt lở do những hố sâu tạo ra từ nạn hút cát. Người dân cũng thường xuyên phải sống trong tình trạng “ăn không ngon, ngủ không yên” bởi những tiếng ồn, tình trạng mất an ninh trật tự diễn ra do "cát tặc" đánh nhau tranh giành địa bàn.
Liệu có phải do các Cơ quan chức năng bất lực trước nạn "cát tặc" hay còn có nguyên nhân ẩn dấu gì? Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.