Mạo danh giáo viên, công an, giăng bẫy phụ huynh cập nhật hồ sơ cho con
Lợi dụng tâm lý lo lắng của phụ huynh có con sắp thi chuyển cấp, các đối tượng mạo danh giáo viên, công an để dẫn dụ họ cập nhật hồ sơ qua đường link lạ, hòng chiếm đoạt tài sản.
Một người dân nhận hàng chục cuộc gọi lừa đảo mạo danh cơ quan công an, shipper giao hàng... mỗi ngày vì bị lộ lọt dữ liệu cá nhân. Ảnh: Hương Nha
Lừa qua video call, giả danh giáo viên, công an
Chị Hoàng Thị Thủy (tên nhân vật được thay đổi, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) là mẹ của hai học sinh, trong đó một con đang chuẩn bị tham gia kỳ thi chuyển cấp quan trọng. Trong lúc đang tất bật chuẩn bị hồ sơ cho con, chị bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ số lạ.
Người gọi tự xưng là giáo viên nhà trường, thông báo rằng hồ sơ đăng ký dự thi của con “có sai sót” và yêu cầu chị phải cập nhật thông tin gấp trong ngày để tránh ảnh hưởng đến quyền dự thi của học sinh. Sau đó, người này hướng dẫn chị liên hệ với một số điện thoại được giới thiệu là “Công an phường”, để “hỗ trợ điều chỉnh thông tin căn cước công dân”.
Do lo lắng và không muốn con gặp rắc rối trong kỳ thi sắp tới, chị Thủy làm theo hướng dẫn. Khi gọi vào số điện thoại được cung cấp, một người khác nghe máy, tiếp tục tự xưng là công an. Thậm chí, người này còn bật video call mặc quần áo ngành công an để chứng minh bản thân. Đồng thời, hướng dẫn chị thực hiện "cập nhật căn cước công dân mức độ 2 cho con" qua một đường link gửi vào tin nhắn điện thoại.
"Người đó nói tôi cần xác minh gấp để đảm bảo thông tin chính chủ, yêu cầu truy cập link, quét khuôn mặt và nhập số thẻ căn cước", chị Thủy kể. Sau vài phút thao tác, chị nhận được thông báo từ ngân hàng rằng tài khoản của mình đã bị rút 13 triệu đồng. Ngay sau đó, chị mới biết mình đã bị lừa.
"Tôi run cả người. Số tiền không quá lớn nhưng cảm giác bị lừa vì lo cho con khiến tôi rất tức giận và xấu hổ", chị chia sẻ.
Chị Thủy sau đó đã thông báo lại cho nhà trường, đồng thời trình báo vụ việc tới Công an địa phương. Nhà trường đã gửi cảnh báo tới các phụ huynh khác, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng rà soát thông tin để đảm bảo không có trường hợp tương tự xảy ra.
Đây không phải là lần đầu tiên các đối tượng lừa đảo nhắm vào phụ huynh học sinh. Trước đó, tại nhiều địa phương như Long An, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận các vụ việc tương tự, với thủ đoạn mạo danh giáo viên hoặc nhân viên y tế gọi điện thông báo học sinh bị tai nạn, yêu cầu chuyển tiền gấp để chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng giả mạo công an gọi điện video call nhằm lừa phụ huynh truy cập các đường link lạ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Người dân cần liên hệ trực tiếp Công an xã gần nhất
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) cảnh báo, các đối tượng lừa đảo hiện nay sử dụng công nghệ cao như deepfake để giả mạo khuôn mặt và giọng nói, khiến nạn nhân khó phân biệt thật giả.
Để nhận biết cuộc gọi lừa đảo, chuyên gia Ngô Minh Hiếu khuyên: "Nếu nghi ngờ người gọi video cho mình là lừa đảo, chỉ cần yêu cầu họ quay trái, quay phải, đứng lên hay đơn giản là... nhe răng ra là biết lừa đảo hay không".
Ông Hiếu giải thích rằng các thuật toán deepfake hiện tại chưa tái hiện được hàm răng một cách chính xác. Nếu là giả dạng, lúc há miệng thì có người không có hàm răng, có người lại có 3 hàm, thậm chí 4 hàm.
Ông Hiếu cũng chỉ ra hai dấu hiệu nhận biết cuộc gọi lừa đảo. "Một là, yêu cầu chuyển tiền, hai là, yêu cầu nhấp vào đường link lạ. Gặp trường hợp này thì tắt máy ngay!", ông Hiếu nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng khuyến cáo phụ huynh cần nâng cao cảnh giác, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ các cuộc gọi lạ. Khi nhận được thông tin đáng ngờ liên quan đến tuyển sinh, cần liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm hoặc Công an xã, phường gần nhất để xác minh.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có văn bản gửi các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ về việc đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, học sinh, học viên, sinh viên về nhận diện phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, về quản lý, bảo vệ dữ liệu cá nhân.