A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thâm nhập điểm nóng vàng tặc giữa rừng Quảng Trị

Quảng Trị - Giữa rừng núi Vĩnh Ô, từ bao giờ đã xuất hiện hàng loạt lán trại của vàng tặc bên những hầm vàng đào sâu vào lòng núi.

Thâm nhập điểm nóng vàng tặc giữa rừng Quảng Trị

Phóng viên Báo Lao Động trong trang phục bảo vệ rừng xâm nhập một lán trại của vàng tặc. Ảnh: PV

Tìm dấu vết vàng tặc

Cuối tháng 3.2025, sau khi nhận được phản ánh về tình trạng vàng tặc lộng hành tại xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), nhóm phóng viên Báo Lao Động đã vào cuộc xác minh. Sau nhiều ngày băng rừng quanh các bản 3, bản 4 và một số tiểu khu mà không phát hiện dấu hiệu bất thường, thì manh mối xuất hiện vào đầu tháng 4: nước suối ở khu vực Khe Dẻ (thôn Cây Tăm) bất ngờ chuyển màu đục vào mỗi chiều tối.

Con suối cạn có nhiều bùn non “tố cáo” việc khai thác vàng ở phía thượng nguồn. Ảnh: Nguyễn Luân

Con suối cạn có nhiều bùn non “tố cáo” việc khai thác vàng ở phía thượng nguồn. Ảnh: PV

Lần theo tuyến đường độc đạo từ xã Vĩnh Hà lên Vĩnh Ô, qua hai con dốc hiểm trở mang tên Lộng Gió 1 và Lộng Gió 2, chúng tôi tiến vào khu vực Khe Dẻ - nơi không có sóng điện thoại, không có nhà dân vào chiều 5.4.

Con suối chảy qua khu vực này nước chỉ bị đục nhẹ trong khi ở phía thượng nguồn nước suối lại trong. Phát hiện dấu hiệu bất thường, chúng tôi lội bộ dọc suối thì thấy một nhánh suối cạn, nước chỉ chảy róc rách, nhưng có nhiều lớp bùn non.

Men theo con suối cạn để tìm địa điểm khai thác vàng. Ảnh: Nguyễn Luân

Phóng viên trong phục trang của bảo vệ rừng, men theo con suối cạn để tìm địa điểm khai thác vàng. Ảnh: PV

Di chuyển theo con suối nhỏ vòng vèo giữa hẻm núi, băng qua nhiều bụi rậm, chúng tôi phát hiện ở phía trước có tiếng máy nổ. Ở nơi không sóng điện thoại, không điện và đường đi, tiếng máy nổ nhiều khả năng là của các lán khai thác vàng. Tuy nhiên, trời bắt đầu mưa với sương mù bao quanh, chúng tôi quyết định rút lui sau khi đánh dấu vị trí trên thiết bị chuyên dụng.

Đường ống do các đối tượng rải ở khu vực rừng để lấy nước phục vụ cho việc khai thác vàng. Ảnh: PV

Đường ống được rải ở khu vực rừng để lấy nước phục vụ cho việc khai thác vàng. Ảnh: PV

Ngày hôm sau trở lại Khe Dẻ, chúng tôi quyết định đi theo các đường mòn trên sườn đồi, tìm vị trí thích hợp để quan sát dưới hẻm núi. Nhưng cây rừng, cây bụi, dây leo rậm rạp, nên không có kết quả. May mắn, chúng tôi phát hiện các đường ống dẫn nước băng giữa rừng, khi men theo thì phát hiện các lán trại được phủ bạt.

Một hầm vàng cũ mới được các đối tượng vàng tặc kiểm tra, tìm “nẹp” vàng. Ảnh: Nguyễn Luân

Một hầm vàng cũ vừa được vàng tặc kiểm tra, tìm “nẹp” vàng. Ảnh: PV

Tìm được một hầm vàng cũ không có người lui tới, chúng tôi vào đó ẩn nấp. Trong buổi sáng, cả khu vực rừng yên ắng, không có tiếng động lạ. Phải đến gần trưa, tiếng máy nổ bắt đầu vang lên. Đeo bám ở khu vực này, mới hay các lán chỉ nổ máy khai thác vàng trái phép vào thời điểm gần trưa, cuối giờ chiều và đêm. Chỉ một hẻm núi trong phạm vi khoảng 1km, có trên 20 lán trại được dựng lên.

Đối mặt với vàng tặc

Trong số lán trại mọc lên ở hẻm núi tại khu vực Khe Dẻ, lán trại ở giữa có quy mô lớn nhất với khoảng 10 người tham gia khai thác vàng. Sau khi chuẩn bị đầy đủ tư trang, chúng tôi quyết định xâm nhập lán trại nói trên vào ngày 9.4. Đi dép rọ, đội mũ cối và mang trang phục bảo vệ rừng, chúng tôi đi theo con đường mòn ở sườn núi rồi rẽ xuống lán trại ở giữa.

Các đối tượng chở đất đá mới được khai thác ở hầm vàng. Ảnh: Hưng Thơ

Nhóm người chở đất đá mới được khai thác ở hầm vàng. Ảnh: PV

Tại đây, có 6 người đàn ông đang dùng cuốc xẻng và xe đẩy chở đất đá từ khu vực hầm vàng ra bên ngoài. Khi chúng tôi xuất hiện, nhóm người vẫn tiếp tục làm việc, chiếc máy nổ inh ỏi chỉ được tắt khi chúng tôi yêu cầu. Ở chiếc lán cạnh đó có 4 người, một người đàn ông khoảng 50 tuổi, xưng là trưởng nhóm, cho biết hầu hết người đào vàng là dân ngoại tỉnh.

Chủ lán khai thác vàng (trái ảnh). Ảnh: PV

Chủ lán khai thác vàng (trái ảnh). Ảnh: PV

Khi được hỏi "Ở đây có bao nhiêu lán, sao làm rầm rộ thế này?", người đàn ông trả lời: “Lán tôi là một, lán ông Hòa là hai, trên kia có một lán và mấy lán dưới kia. Tụi tôi làm rất cẩn thận, có chặn nước đục dưới này rồi. Chủ yếu lán máy của anh Dũng bên kia, thả pô ra nổ to, chứ ở đây nổ không nghe tiếng”.

Cách các đối tượng chặn nước đục chảy ra suối. Ảnh: Nguyễn Luân

Cách chặn nước đục chảy ra suối. Ảnh: PV

Lấy lý do đi kiểm tra, chúng tôi đi thẳng vào khu vực đặt chiếc máy nổ thì chứng kiến hệ thống đào đãi vàng khá quy mô. Một chiếc máy nổ lớn với nhiều thùng chứa đầy dầu đặt cạnh hầm vàng sâu hun hút.

Quy trình khai thác vàng ở đây được tổ chức bài bản. Đất đá được đào sâu, xay mịn, rồi đổ vào bể ngâm hóa chất để tách vàng. Khi đãi vàng, các máy nổ được đồng loạt khởi động. Tuy nhiên, để tránh bị phát hiện, họ thường chỉ cho máy hoạt động vào buổi trưa, chiều hoặc tối và sử dụng thiết bị giảm thanh. Nước thải sau quá trình ngâm hóa chất sẽ được lọc qua hệ thống tự chế trước khi xả ra môi trường, nhằm xóa dấu vết.

Các đối tượng đào xới đất, chặt cây làm cầu trong quá trình khai thác vàng trái phép. Ảnh: PV

Nhóm người đào xới đất, chặt các cây nhỏ làm cầu trong quá trình khai thác vàng trái phép. Ảnh: PV

Ở khu vực lán trại mà chúng tôi đột nhập, nhóm người khai thác lại các hầm vàng cũ. Bằng kinh nghiệm, họ đào sâu vào hầm theo các “nẹp” vàng cám. Tuy nhiên, kiểm tra xung quanh, chúng tôi còn phát hiện một số địa điểm rừng bị phát luỗng và một số điểm bị đào bới để “tăm” hầm vàng mới.

Máy nổ ở trong chiếc lán ở giữa rừng phục vụ cho việc đãi vàng. Ảnh: Nguyễn Luân

Máy nổ ở trong chiếc lán ở giữa rừng phục vụ cho việc đãi vàng. Ảnh: PV

Trên đường rời lán trại nói trên, chúng tôi băng qua khu vực khác và chứng kiến lán trại nào cũng có máy nổ, có các bể chứa nước được lót bằng bạt và nơi ăn ở của nhiều người.

Một hầm vàng mới được các đối tượng phát luỗng cây, chuẩn bị khai thác. Ảnh: Hưng Thơ

Một hầm vàng mới được phát luỗng cây, chuẩn bị khai thác. Ảnh: PV

Rời khỏi khu vực rừng khi trời quá trưa rồi, chúng tôi bám trụ lại trên sườn đồi Khe Dẻ, đến chiều tối tiếng máy nổ ở khu vực hẻm núi lại vang lên, dòng nước đục ở khe cạn lại chảy xuống phía dưới. Những ngày sau đó, việc khai thác vàng trái phép ở Khe Dẻ vẫn diễn ra bình thường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật