A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lập ban chỉ đạo xử lý vụ hơn 5.300ha rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm

Quảng Trị - Sau khi đưa ra phương án xử lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tỉnh Quảng Trị đã thành lập ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện.

Lập ban chỉ đạo xử lý vụ hơn 5.300ha rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm

Diện tích rừng trồng của người dân nhưng nằm trong sổ đỏ của rừng phòng hộ. Ảnh: Hưng Thơ

Ngày 10.4, UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận, đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị chồng lấn, lấn chiếm tại các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ.

Ban chỉ đạo do ông Hà Sỹ Đồng - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - làm trưởng ban, cùng lãnh đạo các sở như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài chính, Công an tỉnh…

Sau khi thành lập, ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức thực hiện phương án của UBND tỉnh Quảng Trị ban hành về xử lý tình trạng chồng lấn, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp tại các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Phương án nói trên được UBND tỉnh Quảng Trị ban hành ngày 28.2.2025 có nội dung đến năm 2030 sẽ xử lý dứt điểm tình trạng chồng lấn, xâm lấn hơn 5.300ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, từ nay đến năm 2027 sẽ xác định xong đối tượng canh tác trên 1.296ha chưa rõ chủ, bàn giao 2.643ha chồng lấn về địa phương quản lý và thu hồi khoảng 1.500ha đã xác định được đối tượng vi phạm. Đến năm 2030, sẽ thu hồi thêm 2.675ha bị xâm lấn sau khi thành lập các ban quản lý rừng và xử lý gần 23ha đang được cơ quan chức năng thụ lý.

Trước đó, Báo Lao Động đã có nhiều bài viết, thông tin tại các ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ ở tỉnh Quảng Trị có đến 5.342ha rừng, đất lâm nghiệp bị chồng lấn, lấn chiếm. Trong đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông có diện tích bị chồng lấn, lấn chiếm nhiều nhất với 2.718ha, tiếp đó là Ban quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị với 2.219ha.

Lý do dẫn đến tình trạng lấn chiếm, chồng lấn đất rừng, là khi thành lập các ban quản lý rừng, diện tích nhận bàn giao từ các lâm trường lớn, trải dài trên nhiều địa giới hành chính của các địa phương, công tác đo đạc bàn giao, cắm mốc ranh giới trên thực địa chưa được thực hiện cụ thể. Bên cạnh đó, bản đồ quản lý rừng và đất lâm nghiệp chưa rõ ràng, một số diện tích giao nhận trên hồ sơ chứ chưa bàn giao thực địa. Đặc biệt, các chủ rừng chưa xây dựng phương án, kế hoạch cắm mốc cụ thể ranh giới ngoài thực địa; công tác quản lý, bảo vệ, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên nên chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lấn chiếm đất rừng.

Sau khi phát hiện rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã triển khai các biện pháp để xử lý, thu hồi, nhưng chưa đạt hiệu quả mong muốn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật