Xóa bỏ khoảng trống pháp lý trong quản lý bán thuốc online
Thương mại điện tử mở ra cơ hội lớn trong phân phối thuốc đến người tiêu dùng, nhưng cũng đặt ra thách thức về quản lý, chất lượng và an toàn cho người sử dụng.
Ảnh: Hải Nguyễn
Nhu cầu mua thuốc online của người dân rất lớn
Mua thuốc online đang dần trở thành xu hướng, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Trong số 52.000 website thương mại điện tử bán hàng được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phê duyệt, có đến 900 website có chữ cái bắt đầu bằng "thuốc" hoặc "pharma". Như vậy có thể thấy, nhu cầu mua bán thuốc online đang khá phổ biến.
Khảo sát của PV tại trang web của hệ thống nhà thuốc A, khi tìm mua các loại kháng sinh, người dùng không thể bỏ ngay thuốc vào giỏ hàng, tiến hành thanh toán mà đều phải nhấp vào mục "Tư vấn ngay" hoặc "Gửi đơn thuốc". Sau khi bạn gửi đơn thuốc, sẽ có nhân viên của nhà thuốc gọi điện tư vấn và bán thuốc theo đơn nếu có.
Tuy nhiên, việc mua thuốc online còn nhiều lỗ hổng. Có người dân còn sử dụng đơn thuốc có kháng sinh từ năm 2020 để mua thuốc qua mạng. Đơn vẫn được chấp nhận, nhà thuốc vẫn giao thuốc đến, bất chấp đơn thuốc đó còn phù hợp với tình trạng bệnh lý của người bệnh hay không. Những vấn đề này đòi hỏi cần sớm có quy định quản lý chặt chẽ vấn đề bán thuốc qua hình thức thương mại điện tử.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội - cho rằng: Hiện nay trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi) đang quy định chỉ cho phép bán online với thuốc không kê đơn. Trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, bệnh nhân được phép mua thuốc kê đơn.
Về ý kiến đề nghị nên mở rộng cho phép bán online thuốc kê đơn để phù hợp với việc khám chữa bệnh online, từ xa, ông Nghĩa cho rằng, nếu muốn quy định như vậy phải có dữ liệu kê đơn thuốc rất tốt và kiểm soát được.
Tuy nhiên, ông Nghĩa thẳng thắn nhận định hệ thống dữ liệu này chưa đảm bảo, cần thêm các đánh giá kỹ lưỡng bởi với thực trạng hạ tầng hiện nay thì nguy cơ tác động xấu nhiều hơn tác động tốt. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước cũng cho phép người dân được mua online thuốc kê đơn nhưng yêu cầu phải có cơ sở dữ liệu về đơn thuốc đầy đủ.
Ông nhấn mạnh, khi dữ liệu đơn thuốc được chuẩn hóa với mã số, mã QR, người bệnh có thể scan để mua thuốc online và nhà thuốc có thể kiểm tra, xác thực đơn thuốc, khi đó mới nên cho phép bán thuốc kê đơn qua mạng.
Xếp hàng mua thuốc tại quầy thuốc bệnh viện. Ảnh: Hải Nguyễn
Đề xuất nhiều quy định quản lý bán thuốc qua phương thức thương mại điện tử
Trước xu hướng mua sắm trực tuyến phát triển mạnh, Bộ Y tế đang dự thảo sửa đổi các Thông tư về thực hành tốt bán lẻ thuốc, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc bán thuốc qua thương mại điện tử, đảm bảo an toàn cho người dùng và kiểm soát chất lượng thuốc hiệu quả hơn.
Dự thảo sửa đổi của Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định chi tiết về bán thuốc qua thương mại điện tử, nhấn mạnh yêu cầu tư vấn trước khi bán. Theo đó, cơ sở bán lẻ thuốc trực tuyến phải tư vấn qua thiết bị công nghệ thông tin và chỉ được bán thuốc sau khi đã hướng dẫn người mua. Quy định này nhằm đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin, tránh tự ý sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn chuyên gia.
Dự thảo Thông tư của Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc trực tuyến phải đảm bảo việc bảo vệ sản phẩm trong suốt quá trình vận chuyển, sử dụng bao bì đạt chuẩn, giữ an toàn thông tin và ngăn chặn truy cập trái phép.
Đồng thời, các nhà thuốc trực tuyến phải kết nối dữ liệu với hệ thống thông tin về dược để kiểm soát nguồn gốc, giá cả và chất lượng thuốc; có giấy phép hoạt động hợp pháp và áp dụng cơ chế kiểm soát chặt chẽ các giao dịch mua bán thuốc.
Dự thảo quy định rõ yêu cầu bảo quản thuốc trong quá trình vận chuyển, giữ nguyên thông tin nhận dạng, đảm bảo thuốc không hư hỏng hay thất thoát. Nhân viên giao thuốc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo quản và an ninh nhằm hạn chế rủi ro.
Hiện Việt Nam chỉ cho phép bán thuốc không kê đơn online. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã triển khai bán thuốc kê đơn trực tuyến nhưng đi kèm với quy định nghiêm ngặt để bảo vệ người tiêu dùng.
Nhiều nước yêu cầu đơn hợp lệ khi bán thuốc online
Tại Hoa Kỳ, thuốc trực tuyến được phép bán nhưng phải tuân thủ tiêu chuẩn bảo mật cao và yêu cầu đơn thuốc hợp lệ từ bác sĩ. Các nền tảng như GoodRx, Amazon Pharmacy cung cấp dịch vụ tìm kiếm giá thuốc tốt và tư vấn y tế từ xa.
Ở Liên minh Châu Âu, các nhà thuốc trực tuyến phải có giấy phép hợp pháp, hiển thị biểu tượng EU và chịu sự giám sát của cơ quan y tế quốc gia. Điển hình như Pharmacy2U (Anh) chỉ bán thuốc khi có đơn hợp lệ và đảm bảo chất lượng.
Canada, Úc và Nhật Bản cũng áp dụng quy định nghiêm ngặt, yêu cầu kiểm soát chặt thông tin và đảm bảo chất lượng thuốc trong bán hàng trực tuyến.