A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo xuất khẩu lao động

Lợi dụng sự cả tin và nhu cầu đi xuất khẩu lao động của người dân, một số đối tượng đã mạo danh doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện lừa đảo.

Cảnh giác với thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo xuất khẩu lao động

Hợp đồng lao động, phiếu thu tiền mạo danh của Công ty cổ phần Tập đoàn quốc tế Thuận Phát để lừa đảo người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Hoàng Giang

Phản ánh với Báo Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc Truyền thông Công ty Cổ phần Tập đoàn Quốc tế Thuận Phát (trụ sở tại phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) - cho biết, từ tháng 10.2024 đến nay, khoảng 300 người lao động đã gọi điện hoặc trực tiếp đến công ty phản ánh việc bị lừa đảo khi nộp tiền đi lao động có thời hạn ở nước ngoài (xuất khẩu lao động), với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng tỉ đồng. Người bị lừa ít nhất 3 triệu đồng, nhiều nhất lên tới 943 triệu đồng.

Cũng theo ông Giang, thủ đoạn của các đối tượng là mạo danh công ty, làm giả đơn hàng, địa chỉ, phiếu thu, hợp đồng lao động… nhằm tạo lòng tin cho người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, chủ yếu là tại Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, khi giao dịch chuyển tiền, các đối tượng yêu cầu người lao động chuyển khoản đến số tài khoản 150866xx tại một ngân hàng, đứng tên một công ty khác với lý do để… “lách luật”.

Trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài người lao động phải qua đào tạo từ 2 đến 6 tháng. Ảnh: Hoàng Giang

Trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, người lao động phải qua đào tạo từ 2 đến 6 tháng. Ảnh: Hoàng Giang

“Người dân khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nên tìm hiểu kỹ thị trường và không nộp tiền qua các tài khoản lạ mà phải nộp trực tiếp tại doanh nghiệp có phiếu thu rõ ràng”, ông Giang khuyến cáo.

Theo lời kể của các nạn nhân, đối tượng đăng tuyển dụng đi xuất khẩu lao động với điều kiện rất dễ dàng: Không yêu cầu trình độ, không giới hạn độ tuổi, không cần ngoại ngữ… Khi người lao động có nhu cầu, họ được yêu cầu chuyển tiền đặt cọc mà không kiểm tra, xác minh thông tin. Sau khi tiền được chuyển, các đối tượng lấy lý do người lao động chuyển sai cú pháp, yêu cầu chuyển khoản thêm một lần tương tự và hẹn sẽ hoàn trả tiền mặt tại công ty.

Tiếp đó, các đối tượng tiếp tục đưa ra lý do tài khoản công ty bị cơ quan thuế "treo", yêu cầu chuyển khoản thêm vào tài khoản khác, hứa khi được hoàn tiền sẽ trả trực tiếp. Nhiều người chỉ phát hiện bị lừa sau khi gọi điện hoặc đến trực tiếp trụ sở công ty tìm hiểu, như trường hợp anh Nguyễn Văn H, ở tỉnh Nghệ An. Do người thân đang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) giới thiệu, anh H đã tìm thông tin trên các hội nhóm Facebook và tin tưởng chuyển tiền nhiều lần vào tài khoản 150866xx với tổng số tiền 943 triệu đồng. Khi liên hệ với Công ty Thuận Phát, anh mới biết mình bị lừa.

Tương tự, Công ty Đầu tư Quốc tế Đức Minh (trụ sở tại số 148 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) cũng bị mạo danh. Đại diện công ty cho biết, gần đây một số người lao động đến công ty yêu cầu thực hiện các giao dịch đi xuất khẩu lao động theo các phiếu thu, hợp đồng… có chữ ký của công ty. Tuy nhiên, qua đối chiếu, toàn bộ giấy tờ đều là giả mạo.

gười lao động được tư vấn trước khi lựa chọn đơn hàng đi làm việc tại nước ngoài. Ảnh: Hoàng Giang

Ntgười lao động được tư vấn trước khi lựa chọn đơn hàng đi làm việc tại nước ngoài. Ảnh: Hoàng Giang

Công ty đã hướng dẫn người lao động trình báo cơ quan công an, đồng thời khuyến cáo: tất cả các giao dịch tài chính liên quan đến tuyển dụng, xuất khẩu lao động hoặc du học chỉ được thực hiện trực tiếp với công ty, tuyệt đối không chuyển tiền cho cá nhân hoặc tổ chức không rõ danh tính.

Trước đó, vào tháng 8.2024, Công ty TNHH Hợp tác Quốc tế Hải Việt (quận Hoàng Mai) cũng đã cảnh báo về việc có người mạo danh công ty để tuyển dụng lao động đi làm tại Australia. Các đối tượng sử dụng phiếu thu, thông báo có chữ ký giả mạo của giám đốc công ty và thậm chí làm giả văn bản trả lời của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH, nay thuộc Bộ Nội vụ) để tạo lòng tin, từ đó chiếm đoạt tiền của nhiều lao động.

Không chỉ mạo danh doanh nghiệp, các đối tượng còn lợi dụng danh nghĩa Trung tâm Lao động ngoài nước để môi giới trái phép. Chúng lập các fanpage như: “Trung tâm Tư vấn Việc làm Ngoài nước”, “Tư vấn Xuất khẩu Lao động - Asian”… để mạo danh là trang thông tin chính thức của Trung tâm Lao động ngoài nước, lừa đảo hàng loạt người lao động.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Huy Hồng - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) - cho biết đây là hành vi lừa đảo mà trung tâm đã nhiều lần cảnh báo. Ông khuyến cáo người lao động cần tìm hiểu kỹ quy trình, chi phí tại website chính thức của trung tâm trước khi đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu lao động.

Theo quy định người lao động là học sinh, sinh viên từ 18-39 tuổi khi đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc chỉ phải nộp chi phí khoảng 17 triệu đồng. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo đã thu trái quy định với mức trên 80 triệu đồng/người.

Dù các thủ đoạn lừa đảo đã được phanh phui nhiều lần, nhưng các đối tượng vẫn liên tục thay đổi chiêu trò, nhắm vào những người nhẹ dạ cả tin. Công an TP Hà Nội cũng đã nhiều lần phát cảnh báo về hình thức mạo danh này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật