4 lưu ý khi ăn sáng ở người cao tuổi để kéo dài tuổi thọ
Nhiều người cao tuổi có thói quen bỏ bữa sáng, có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tuổi thọ, đặc biệt là hệ tiêu hóa và chuyển hóa.
Bữa sáng lành mạnh giúp kéo dài tuổi thọ ở người cao tuổi. Đồ họa: Hạ Mây
Ăn sáng đúng giờ để bảo vệ dạ dày, túi mật
Vào buổi sáng, axit dạ dày thường tiết ra mạnh. Nếu không ăn sáng đúng giờ, axit không được trung hòa bởi thức ăn, niêm mạc dạ dày sẽ bị bào mòn lâu ngày, dễ dẫn đến viêm loét dạ dày hoặc các bệnh lý tiêu hóa khác. Đồng thời, việc bỏ bữa sáng còn khiến dịch mật không được tống xuất kịp thời, dễ tích tụ và gây ra sỏi mật hoặc polyp túi mật.
Không nên ăn sáng quá muộn
Người cao tuổi cần lưu ý không nên ăn sáng quá trễ. Ăn sáng muộn sẽ ảnh hưởng đến thời gian ăn trưa, khiến ba bữa trong ngày không đều đặn. Buổi sáng là thời điểm cơ thể cần nhiều năng lượng nhất, nếu nhịn ăn quá lâu, nguy cơ hạ đường huyết sẽ tăng cao.
Bên cạnh đó, ăn sáng quá sát bữa trưa không chỉ khiến hệ tiêu hóa phải làm việc quá tải mà còn ảnh hưởng đến chất lượng bữa trưa, dễ gây đầy hơi, khó tiêu.
Cẩn trọng với thực phẩm không phù hợp vào bữa sáng
Khi lớn tuổi, việc lựa chọn thực phẩm phù hợp cho bữa sáng là điều rất quan trọng. Nhiều người có thói quen dùng các món ăn nhanh, món chiên hoặc đồ muối chua cho tiện lợi mà không biết rằng đây là những thực phẩm nên tránh.
Người cao tuổi không nên ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn như đồ chiên rán, đồ hun khói, dưa muối, nước có ga hay rượu bia vào buổi sáng - bởi chúng không chỉ gây khó tiêu mà còn ảnh hưởng đến gan, thận và huyết áp.
Ăn sáng đầy đủ và đa dạng
Một số người cao tuổi cho rằng chỉ cần ăn cháo loãng là đủ cho bữa sáng. Tuy nhiên, nếu chỉ ăn cháo, cơ thể dễ thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là protein, vitamin và chất xơ. Bữa sáng nên bao gồm sự kết hợp cân đối giữa đạm (như trứng, thịt nạc, sữa), chất xơ và vitamin (từ rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt), cùng với lượng carbohydrate vừa phải từ các món như bánh bao, bún, mì, phở…