Cách đảm bảo thức ăn của trẻ nhỏ được đầy đủ dinh dưỡng
Sau sáu tháng nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, trẻ nhỏ có thể được cho ăn thức ăn đặc. Sau đây là cách cha mẹ có thể đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.
Các chất dinh dưỡng quan trọng trong chế độ ăn của trẻ sơ sinh
Theo Tiến sĩ Preeti Nagar, Chuyên gia dinh dưỡng tại Cao đẳng và Bệnh viện Viện Khoa học Y khoa Quốc tế Noida (NIIMS), Ấn Độ, một số chất dinh dưỡng chính cần bổ sung vào chế độ ăn của trẻ sơ sinh.
- Protein: Cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển.
- Chất béo lành mạnh: Quan trọng cho sự phát triển của não.
- Carbohydrate: Cung cấp năng lượng.
- Vitamin và khoáng chất: Sắt, canxi, vitamin A, C và D rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện.
Tiến sĩ Preeti Nagar cho biết, cha mẹ cần phải chú ý đến bất kỳ dấu hiệu thiếu hụt dinh dưỡng nào ở trẻ, bao gồm chậm phát triển, tăng cân quá mức, thiếu năng lượng, thay đổi về sức khỏe của da, tóc hoặc móng.
Đảm bảo chế độ đầy đủ dinh dưỡng cho bé
Theo Tiến sĩ Nagar, lựa chọn thực phẩm phải tùy thuộc ở các giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ nhỏ. Ví dụ, khi được sáu tháng, cha mẹ có thể bắt đầu cho trẻ ăn ngũ cốc tăng cường sắt, trái cây xay nhuyễn và rau cho trẻ sơ sinh.
Khi được 6 - 8 tháng tuổi, trẻ có thể được cho ăn thịt xay nhuyễn, sữa chua và đậu nghiền. Khi được 8 - 12 tháng tuổi hoặc đối với trẻ đã hơn một tuổi, cha mẹ có thể cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm như trái cây thái nhỏ, rau nấu chín và ngũ cốc mềm.
Để đảm bảo chế độ ăn của bé đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng, cha mẹ có thể lưu ý một số điều sau:
- Thay đổi nhiều loại thực phẩm để bé được tiếp xúc với nhiều hương vị và kết cấu khác nhau.
- Thay đổi trái cây, rau, ngũ cốc và protein thường xuyên.
- Hãy thử nhiều phương pháp nấu ăn khác nhau như hấp, nướng hoặc nghiền để tăng thêm sự đa dạng.